chung-khoan-nha-dau-tu

Thị trường đang có dấu hiệu tích cực từ nhóm ngân hàng và bất động sản.

Trong phiên hôm qua thị trường có diễn biến giảm trong phiên sáng và hồi phục trong phiên chiều. Nguyên nhân nhờ vào diễn biến tích cực của nhóm ngân hàng, bất động sản đã giúp tâm lý thị trường ổn định trở lại. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 1,04% dừng tại 1.269,09 điểm.

Như đã nói ở trên nhờ vào sự tích cực từ 2 nhóm ngân hàng và bất động sản, đây vẫn là bệ đỡ tâm lý cho nhịp giảm.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt 21.894 tỷ đồng giảm gần 8% so với phiên liền trước. Khối ngoại bán ròng hơn 602 tỷ đồng trong phiên hôm qua. Lượng bán ròng tập trung tại HPG (230 tỷ đồng), NVL (143 tỷ đồng), VIC (102 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, VPB (155 tỷ đồng), STB (41 tỷ đồng), GMD (26 tỷ đồng) dẫn đầu danh sách mua ròng.

Theo phân tích của các chuyên gia CTCK Tân Việt (TVSI), chỉ số VN-Index tiếp tục xu hướng đi ngang ngắn hạn và điều chỉnh trở lại khi gặp kháng cự vùng đỉnh quanh 1265 – 1268 điểm.

“Chúng tôi vẫn dự báo thị trường tăng điểm trong trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn đang trong nhịp sideway vùng biên độ 1225 – 1265 điểm mà chúng tôi dự báo từ trước đến nay. Nếu kém lạc quan, chỉ số sẽ kiểm tra lại đường trendline tạo bởi đáy tháng một và tháng ba của năm 2021” – chuyên gia phân tích của TVSI cho hay.

bieu-do-phan-tich-ky-thuat

Biểu đồ phân tích kỹ thuật diễn biến chỉ số VN-Index.

Trong khi đó, CTCK Yuanta Việt Nam lại cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng kháng cự 1.283 – 1.300 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường chung vẫn ở mức cao, cho nên chỉ số VN-Index khó có thể vượt được vùng kháng cự 1.283 – 1.300 điểm. Dòng tiền tiếp tục lan tỏa nhưng vẫn ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.

Về xu hướng thị trường, chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam đánh giá, xu hướng ngắn hạn của thị trường nói chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tăng nhẹ tỷ trọng cổ phiếu và mua mới với tỷ trọng thấp do rủi ro thị trường vẫn ở mức cao. Đồng thời, Yuanta tiếp tục lưu ý các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên sử dụng đòn bẩy ở giai đoạn này.

Ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự báo, VN-Index sẽ thử thách vùng kháng cự 1275-1285 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Chỉ số có thể gặp áp lực điều chỉnh trở lại khi tiếp cận vùng cản này. Về tổng thể, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có biến động đi ngang tích lũy để tạo nền giá mới trên mốc 1.200 điểm trong ngắn hạn.

Vùng 1275-1285 điểm vẫn là vùng cản mạnh mà chỉ số cần phải vượt qua nếu muốn xác lập lại xu thế tăng điểm trong ngắn hạn.

Về chiến lược đầu tư, chuyên gia phân tích của BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục lên mức 40-50% cổ phiếu. “Nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua ngắn hạn nếu thị trường vượt thành công vùng kháng cự 1.275-1.285 điểm” – ông Trần Xuân Bách cho biết.

Đáng chú ý, nhìn trong cả tháng 5,  Yuanta Việt Nam đánh giá thị trường sẽ có rủi ro tăng dần. “Chúng tôi vẫn đánh giá xu hướng trung hạn ở mức tăng, nhưng rủi ro có dấu hiệu gia tăng dần. Chúng tôi dự báo chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh và kiểm định vùng hỗ trợ 1.180 – 1.200 điểm trong tháng 05/2021” – chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam cho hay.

Đồng thời, các nhà đầu tư trung hạn có thể xem xét bán một phần tỷ trọng cổ phiếu và nắm giữ phần còn lại cho đến khi chỉ số VN-Index giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.150 điểm.

Nhóm cổ phiếu kim loại và ngân hàng tiếp tục là nhóm cổ phiếu dẫn dắt xu hướng của thị trường. Trong đó, Yuanta Việt Nam đánh giá dư địa tăng trưởng của nhóm cổ phiếu kim loại sẽ không còn nhiều. Bên cạnh đó, một số nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên chú ý khi thị trường điều chỉnh: Thứ nhất, nhóm ngân hàng gồm các mã: VIB, VPB, TCB, CTG, STB. Thứ hai, nhóm bất động sản gồm các mã: PDR, API, HDC, NVL, DIG. Thứ ba, nhóm hóa chất gồm các mã: DGC, LTG, GVR. Cuối cùng là nhóm chứng khoán với các mã: VND, VCI, SHS, CTS, SSI.