Trong bối cảnh dịch viêm phổi corona như hiện nay, BVSC dự báo GDP trong quý I/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5%, thấp hơn 0,2-0,4% so với cùng kỳ năm 2019…
Tính đến sáng 04/02/2020, là nước có đường biên giới sát với Trung Quốc, Việt Nam đã ghi nhận 9 ca nhiễm virus Corona. Mặc dù số ca nhiễm chưa cao và cũng chưa có trường hợp nào tử vong nhưng Chính phủ cũng đã có những biện pháp tương đối mạnh nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, điển hình như: tạm dừng cấp visa cho khách du lịch từ Trung Quốc, tạm dừng các lễ hội chưa tổ chức, cho phép sinh viên, học sinh nghỉ học 1 tuần.
Nhóm phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC) đã đánh giá những động thái trên sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới kinh tế Việt Nam. Cũng giống như Trung Quốc, khu vực dịch vụ của Việt Nam được đánh giá sẽ bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh Corona, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí.
Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam nên việc dừng cấp visa cho khách Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến ngành du lịch chịu thiệt hại.
Ngoài ra, thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch trong nước nên dịch bệnh cũng sẽ khiến hoạt động này suy giảm đáng kể. Đáng chú ý đây là những hoạt động du lịch mang tính thời điểm, mùa vụ nên rất khó bù đắp trở lại trong các tháng tới, kể cả khi đã hết dịch bệnh.
Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam. Trong đó, những ngành có mức tăng trưởng cao hơn hẳn bao gồm: Bán buôn và bán lẻ (tăng 8,82%); vận tải, kho bãi (tăng 9,12%)… Đây đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.
Tính tổng các nhóm dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình suy giảm do dịch bệnh như như Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ; Vận tải, kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí hiện chiếm khoảng 17,3% trong GDP năm 2019.
Ngoài khu vực dịch vụ thì khu vực nông lâm thuỷ sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Do đó, nếu hoạt động giao thương với Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng trưởng của khu vực nông – lâm – thuỷ sản (vốn đã ở mức thấp) sẽ có nguy cơ suy giảm thêm, từ đó kéo theo cầu tiêu dùng của người lao động thuộc khu vực này cũng giảm theo.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường biên mậu phần nào bị ảnh hưởng chủ yếu do sự chủ động từ phía Việt Nam. Do đó, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoặc các cơ quan quản lý đưa được ra cách thức quản lý hợp lý để duy trì việc xuất-nhập khẩu hàng hóa trong khi vẫn kiểm soát con người vận hành, vì vậy các hoạt động này cũng sẽ nhanh chóng được nối lại, qua đó giảm thiểu thiệt hại đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Đối với khu vực công nghiệp – xây dựng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu một số mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn (38,7%).
Trên cơ sở đó, dịch bệnh tại Trung Quốc có thế gây ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam như điện thoại và linh kiện điện tử; máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may, da giày….
Nhóm phân tích BVSC cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ dần hồi phục trở lại bắt đầu từ quý II/2020. Mặc dù vậy, với tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, nhóm này cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý II/2020.
Về tổng thể, với nỗ lực và các biện pháp quyết liệt của Chính phủ hiện nay, BVSC kỳ vọng mức độ lây lan của dịch Corona tại Việt Nam sẽ nằm trong tầm kiểm soát với số ca nhiễm và tử vong không lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải sớm tìm ra các biện pháp thích ứng với tình hình dịch hiện nay để đảm bảo bảo duy trì tính thông suốt của lưu thông hàng hóa và kiểm soát dịch bệnh (như tách bạch một đội ngũ lái xe, con người vận hành chuyên hoạt động từ cửa khẩu sang Trung Quốc và một đội ngũ hoạt động riêng trong nội địa…).
Ở một diễn biến liên quan, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 1/2020 vừa công bố đạt mức 50,6 điểm, thấp hơn một ít so với 50,8 điểm trong tháng 12/2019. Chỉ số này cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất vào đầu năm 2020 tiếp tục cải thiện ở mức khiêm tốn.