Trong những năm qua, Quỹ “1 triệu cây xanh cho Việt Nam” và Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã hỗ trợ cho người dân Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bình Định gần 320.000 cây giống keo và lát hoa.
Đây là các loại cây, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, vừa góp phần bảo vệ và gây rừng. Mô hình đã bước đầu cho thấy tác dụng tích cực, góp phần tối đa hóa hiệu quả mang lại cho cộng đồng.
Gắn hiệu quả cây trồng với lợi ích người dân
Trong gần 2 năm trở lại đây, công việc mới của gia đình chị Nông Thị Tám (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) là chăm sóc những cây keo của gia đình mình. Dự kiến trong vòng 6-7 năm nữa, sản lượng thu hoạch được sẽ mang lại cho chị từ 70-80 triệu đồng trên diện tích cây chị đang trồng. “Người dân chúng tôi sinh sống ở vùng đồi núi nên chủ yếu phát triển về nghề rừng, được sự hỗ trợ từ Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam và công ty Vinamilk không chỉ giúp tăng được thu nhập cho gia đình tôi từ việc chăm sóc và trồng rừng, mà còn góp phần phủ xanh được đất trống đồi núi trọc của địa phương” – chị Tám phấn khởi chia sẻ trong khi đang thoăn thoắt phát cỏ những gốc keo của gia đình.
Vừa đưa chúng tôi đi tham quan rừng cây keo gần 2.000 cây của gia đình trồng, ông Đàm Văn Neo, xã Trường Hà, tỉnh Cao Bằng vừa kể: “Trước đây tôi chủ yếu trồng ngô, trồng lúa, nuôi gà vịt, thu nhập cũng bấp bênh. Sau thời gian tiếp nhận được gần 2.000 cây keo từ Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam và Vinamilk hỗ trợ, tôi rất phấn khởi. Cây giống chương trình tặng rất tốt, chúng tôi chăm sóc những rừng cây keo này rất cẩn thận, nên tỷ lệ cây đến nay sau gần 3 năm sống gần 100%”. Dự kiến khoảng 5 năm nữa, rừng keo gia đình của ông Neo sẽ thu hoạch với thu nhập tầm vài chục triệu, mức thu nhập này thực sự rất có ý nghĩa đối với người dân tại đây.
Nói về hiệu quả kinh tế của cây keo và lát hoa mà chương trình Quỹ “1 triệu cây xanh cho Việt Nam” và Vinamilk hỗ trợ cho người dân, ông Hoàng Quốc Lâm, Trung tâm Truyền thông, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: “Lát hoa là cây gỗ lớn, khi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu khai thác sau khi trồng 10 – 14 năm, trữ lượng gỗ khoảng 100 – 120m3/ha. Với giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8 – 2 triệu đồng/m3, người trồng có thể thu khoảng 250 – 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 22 – 25 triệu đồng/ha/năm. Nếu khai thác sau khi trồng ở độ 20 năm tuổi, mật độ trồng 700 – 800 cây/ha, thì mỗi hecta rừng lát có thể cho thu nhập 2 – 3 tỷ đồng.”
“Trồng rừng keo lai cũng đã tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp giấy, ván dăm và phục vụ xuất khẩu. Sau 7 năm trồng, với trữ lượng rừng đạt từ 120 – 200m3 /ha, lợi nhuận có thể đạt được từ 60 đến 80 triệu đồng/ha”, ông Lâm cho biết thêm.
Được biết, trong hành trình trồng cây từ năm 2012 đến nay, Vinamilk và Quỹ “1 triệu cây xanh cho Việt Nam” đã hỗ trợ hàng trăm ngàn cây có giá trị kinh tế như keo, lát hoa cho người dân ở nhiều địa phương như Xã Tà Lèng, Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng; xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn; xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định…
Chung tay cùng người dân để trồng cây gây rừng
Mô hình trao tặng cây giống cho người dân của Vinamilk và Quỹ 1 triệu cây xanh là sáng kiến được đánh giá đã mang đến hiệu quả kép. Mô hình này, không chỉ hỗ trợ sinh kế cho người dân các vùng khó khăn bằng việc trao các giống cây có giá trị kinh tế cao, mà chính người dân sẽ trở thành những người chăm sóc, bảo vệ rừng, từ đó mở rộng diện tích rừng bao phủ. Những khoảnh rừng keo, lát hoa do người dân trồng góp phần hình thành nên những mảng rừng lớn, giúp tăng khả năng phòng hộ, nhất là giảm hiện tượng xói mòn, chống sạt lở, rửa trôi đất, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Từ góc độ quản lý môi trường, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định, trong bối cảnh trái đất có xu hướng nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng đe dọa cuộc sống của con người, thì việc trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt, với hình thức chung tay cùng người dân trồng cây gây rừng, gắn hiệu quả cây trồng với lợi ích người dân, mỗi người dân đều tham gia tích cực vào quá trình chăm sóc và bảo vệ rừng. Thông qua đó, hoạt động này còn nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường sống xung quanh chúng ta.
Năm 2020, đánh dấu mốc 9 năm chặng đường Vinamilk và Quỹ “1 triệu cây xanh cho Việt Nam” đem màu xanh phủ lên 41 địa điểm của 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến hết năm 2019, Quỹ đã trồng được 851.000 cây xanh các loại, với tổng trị giá khoảng 11 tỷ đồng và dự kiến sẽ cán đích trồng 1 triệu cây xanh cho Việt Nam trong năm 2020.
Thanh Hương