Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam, có mức tăng trưởng khá. Để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh đàm phán mở cửa thị trường các loại nông sản, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Hiện Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… các loại nông sản và đã gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Sau khi đàm phán và có Nghị định thư của 9 loại nông sản, hai bên tiếp tục đàm phán cho 8 loại nông sản gồm: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít để ký kết nghị định thư về kiểm dịch.
Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng tăng mặt hàng, số lượng và doanh số xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Khi đã xuất được chính ngạch thì sẽ có điều kiện thuận lợi để tổ chức sản xuất, cũng như sơ chế, chế biến, vận chuyển, bao gói kiểm soát, kiểm dịch…Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc triển khai đang gặp khó khăn.
Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, Tham tán công sứ Trung Quốc về giải pháp khắc phục trong bối cảnh dịch COVID-19 từ đó có thêm các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Phóng viên đưa tin, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, thị trường Trung Quốc có rất nhiều quy định mới. Các quy định mới này sẽ được phổ biến cho các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nông dân bắt nhịp để khi đưa hàng lên biên giới đảm bảo được những tiêu chí theo quy định mới của Trung Quốc như: an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch động thực vật để việc thông quan được liên tục.
Bên cạnh đó, về hạ tầng như hệ thống kho bãi, giao thông, cảng đảm bảo hàng hóa được thông suốt từ các tỉnh phía Nam đưa ra xuất khẩu được ngay, không phải lưu kho, lưu bãi. Nếu trong trường hợp còn tồn đọng thì có hệ thống kho bãi, kho lạnh để lưu giữ, không làm giảm chất lượng nông sản.
Liên quan đến các mặt hàng nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, các cơ quan chức năng của Bộ đang tiếp tục thúc đẩy trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa.
Trước đó theo TS Đào Việt Anh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, nhóm hàng nông, thủy sản, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của Việt Nam sang thị trường này. Theo tính toán, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc giai đoạn 2010 – 2020 đạt bình quân 14,3%/năm.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, về phía Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, thường xuyên, hiệu quả của các cơ quan chuyên môn giữa hai nước, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, sau một thời gian ngắn bị “đình trệ”, đã sớm được phục hồi.
Với quy mô dân số gần 1,5 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. Điều này cho thấy, với lợi thế sẵn có, nếu đáp ứng tốt các yêu cầu liên quan, Trung Quốc vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả tiềm năng từ thị trường Trung Quốc, TS Đào Việt Anh cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, phổ biến thông tin về chính sách, quy định nhập khẩu nông, thủy, sản của Trung Quốc cho các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhằm chủ động tổ chức sản xuất và có kế hoạch kinh doanh, xuất khẩu đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, thông qua mọi kênh và mọi cấp, tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc nhằm mở rộng danh mục sản phẩm nông, thủy sản cũng như bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này. Trong đó đặc biệt chú trọng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm giá trị gia tăng cao, có khả năng trở thành điểm tăng trưởng xuất khẩu mới của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước thông qua các hội nghị, hội thảo và hoạt động kết nối kinh doanh B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua nền tảng kỹ thuật số nhằm góp phần thúc đẩy thương mại nông, thủy sản song phương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Minh Đức