Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ sống của Việt Nam hai tháng đầu 2024 đạt 11,3 triệu USD.
Theo VASEP, trong 2 tháng qua, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc và Singapore đều tăng đột phá nhập khẩu cua sống từ Việt Nam, góp phần quan trọng đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ sống của Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 11,3 triệu USD.
Trong đó, xuất khẩu cua bùn sống (cua xanh) và ghẹ sống sang Hồng Kông (Trung Quốc) đã tăng gấp 2,2 lần đạt trên 1,6 triệu USD trong 2 tháng qua, chiếm 14% tổng xuất khẩu cua ghẹ sống của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính sản phẩm cua ghẹ sống của Việt Nam, chiếm 82% giá trị xuất khẩu đi các thị trường, với kim ngạch tăng mạnh nhất, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 9,2 tỷ USD, chủ yếu là cua bùn sống.
Tương tự, Singapore cũng có nhu cầu nhập khẩu cua sống của Việt Nam tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là thị trường lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).
Tính riêng tháng 2, xuất khẩu cua sống của Việt Nam đạt gần 10 triệu USD, có thể do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc và các nước châu Á, nhu cầu sản phẩm sống tăng.
Cũng theo VASEP, hai tháng đầu năm nay, tổng nhập khẩu cua ghẹ và các loài giáp xác khác của Việt Nam đạt 33,7 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cua đạt 24,6 triệu USD, tăng gấp 2 lần, xuất khẩu ghẹ đạt 8,8 triệu USD, tăng 53%, còn lại là các loài giáp xác khác. Riêng sản phẩm cua ghẹ sống xuất khẩu đã chiếm 1/3 giá trị với 11,3 triệu USD.
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu cua ghẹ đông lạnh, cua ghẹ chế biến như cua đồng xay, ghẹ thanh trùng đóng lon, đùi ghẹ, thịt cua tuyết, thịt chân cua tuyết… sang các thị trường điển hình như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Sau khi về đích năm 2023 ở mức 9,2 tỷ USD, bằng 92% mục tiêu đề ra từ đầu năm, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 – 10 tỷ USD, tăng 3 – 5% so với 2023.
Theo nhận định từ VASEP, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức đối với xuất khẩu hải sản, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng.
Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD năm 2024.
Tú Linh