Những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam với sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao.
Theo Tổng cục Hải quan, ước tính, xuất khẩu mây, tre, cói, thảm trong tháng 10/2023 đạt 60 triệu USD; nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2023 lên 589,69 triệu USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng mây, tre, cói và thảm xuất khẩu đã thu về cho Việt Nam hơn 538 triệu USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9, các sản phẩm này thu về 52,83 triệu USD, giảm 17,9% so với tháng 8/2023. Dù vậy, đây vẫn là mặt hàng chủ lực thuộc nhóm xuất khẩu của nông sản Việt Nam và có tiềm năng rất lớn.
Theo đó, Việt Nam có diện tích tre lớn, lên đến 1,5 triệu ha, phân bố ở khắp các tỉnh trên cả nước. Với tài nguyên tre phong phú và đa dạng với hàng trăm loài, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn nhất thế giới cùng với Trung Quốc và Philippines. Trong số các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng này, Mỹ là thị trường lớn nhất, xếp thứ hai là thị trường Nhật Bản và Anh là thị trường đứng thứ 3 của loại mặt hàng này.
Theo thống kê về thị trường, sản phẩm mây, tre, cói, thảm Việt Nam xuất khẩu sang EU trong tháng 9/2023 đạt 11,52 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, sản phẩm mây, tre, cói, thảm xuất khẩu sang EU chiếm 25,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 136,44 triệu USD.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, trong tháng 9/2023 sản phẩm mây, tre, cói, thảm xuất khẩu đạt 17,80 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu thị trường Hoa Kỳ chiến 37,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 203,80 triệu USD.
Bên cạnh những thuận lợi, một số chuyên gia cũng dự báo, xuất khẩu thủ công mỹ nghệ nói chung và sản phẩm mây, tre, cói, thảm của Việt Nam nói riêng trong những tháng tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Từ nay đến cuối năm 2023, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp cũng nên tập trung khai thác thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Chile…
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), cứ 1 triệu USD xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác, hàm lượng xuất khẩu rất cao. Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa trên hệ thống gồm 2.556 làng nghề trên toàn quốc. Các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 5,2 triệu lao động nông thôn. Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu không cao so với nhiều mặt hàng khác nhưng thủ công mỹ nghệ lại mang về cho đất nước nguồn ngoại tệ với tỉ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu.
Để phát triển bền vững ngành hàng thủ công mỹ nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế, chúng ta cần nhiều nhóm giải pháp về các mặt kinh tế – xã hội, môi trường và thể chế. Về mặt kinh tế, cần hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển ngành, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng mạng lưới tiêu thụ, xuất khẩu và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội.
Ở khía cạnh xã hội, phát triển bền vững ngành hàng thủ công mỹ nghệ góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới, tạo liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Về môi trường, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng hợp chuẩn quốc tế, tuyên truyền, giáo dục, kết hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường sinh thái. Cuối cùng, về thể chế, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách phát triển và hỗ trợ ngành hàng phát triển một cách bền vững.
Minh Đức