Chuyển tới nội dung

Việt Nam thêm cơ hội xuất khẩu chính ngạch trái bưởi tươi sang Australia

Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) khẳng định bưởi Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào Australia nếu tuân thủ đầy đủ các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại và quy trình kiểm dịch thực vật.

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được thông báo từ Ban thư ký Ủy ban SPS, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Australia hành “Báo cáo cuối cùng về yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam”.

Ngay sau đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã có công văn số 88/SPS-BNNMT về việc Australia ban hành báo cáo cuối cùng yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam và gửi tới Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để triển khai các bước tiếp theo đưa quả bưởi tươi Việt Nam sang thị trường Australia.

Tại công văn cho biết, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) vừa chính thức ban hành “Báo cáo cuối cùng về yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam”, khẳng định bưởi Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào Australia nếu tuân thủ đầy đủ các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại và quy trình kiểm dịch thực vật.

Việt Nam thêm cơ hội xuất khẩu chính ngạch trái bưởi tươi sang Australia.

Báo cáo cho thấy Australia đã hoàn tất đánh giá rủi ro với toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và vận chuyển quả bưởi từ vùng sản xuất thương mại ở Việt Nam. Qua phân tích, DAFF xác định có 19 sinh vật gây hại cần biện pháp quản lý rủi ro để đảm bảo an toàn sinh học. Trong số này, đáng chú ý có rầy chổng cánh châu Á (Diaphorina citri), ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis), rệp sáp và nhện đỏ là những loài đã từng gây ảnh hưởng tới sản phẩm cây có múi của nhiều quốc gia.

Để bảo vệ hệ sinh thái và nông nghiệp bản địa, Australia yêu cầu các biện pháp kiểm soát như: Vùng trồng/cơ sở sản xuất được công nhận không có dịch hại (PFA), xử lý bằng chiếu xạ hoặc Methyl bromide, cùng kiểm tra trực quan trước khi xuất khẩu. Riêng đối với bệnh loét cam (Citrus canker), Australia áp dụng “Hệ thống tiếp cận”, gồm chuỗi biện pháp tổng hợp từ vườn trồng đến xử lý sau thu hoạch.

Ngoài khía cạnh kỹ thuật, phía Australia cũng đã tham vấn ý kiến từ 7 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trước khi hoàn thiện báo cáo. Các điều chỉnh về thông tin sản xuất, quản lý dịch hại và dữ liệu mới đều được cập nhật trong bản báo cáo tháng 4/2025.

Đáng chú ý, một số sinh vật như nhện đỏ và rệp sáp vẫn là đối tượng kiểm dịch vùng tại Tây Australia. Do đó, dù được phép nhập khẩu vào Australia, sản phẩm bưởi vẫn phải tuân thủ thêm quy định riêng khi vận chuyển giữa các bang.

 Theo kế hoạch, sau khi báo cáo được công bố, phía Australia sẽ tiến hành các bước xác minh cuối cùng với Việt Nam để đảm bảo năng lực triển khai các biện pháp kiểm dịch. Khi hoàn tất, các điều kiện nhập khẩu chính thức sẽ được công bố trên hệ thống BICON của Australia – cổng thông tin quy định nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật.

Việc hoàn thiện báo cáo này không chỉ đánh dấu bước tiến trong đàm phán mở cửa thị trường mà còn thể hiện năng lực ngày càng được cải thiện của lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu cao về an toàn sinh học quốc tế.

Bên cạnh đó, việc Australia công nhận khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sinh học của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm bưởi.  Đây là bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao giá trị cho mặt hàng có sản lượng gần 1 triệu tấn mỗi năm, đồng thời khắc phục tình trạng “thừa nội địa, thiếu xuất khẩu” của các giống bưởi nổi tiếng như Da Xanh, Năm Roi và Diễn.

Cùng với Australia, Hàn Quốc đã chính thức cấp phép nhập khẩu bưởi Việt Nam, đánh dấu loại quả tươi thứ ba (sau thanh long và xoài) được phép vào thị trường này. Đây là kết quả của hai năm đàm phán kể từ khi Cục Bảo vệ thực vật khởi động chương trình vào năm 2018, thống nhất kỹ thuật đã đạt được trong cuộc họp song phương tháng 4/2024. Yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt bao gồm đăng ký vùng trồng, xử lý hơi nóng và kiểm tra 2% thùng carton hoặc 600 quả mỗi lô hàng để phát hiện các sinh vật gây hại như Prays endocarpa và Citripestis sagittiferella.

Minh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved