xnkdetmay1

Nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ nhờ sản xuất phục hồi, từ đó nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết như vậy tại Họp báo thường kỳ 5 tháng đầu năm 2021.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN.

5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,87 tỷ USD). Riêng trong tháng 5, nhập siêu lên tới 2 tỷ USD.

“Nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ nhờ sản xuất phục hồi, từ đó nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng và xuất khẩu. Mức nhập siêu 369 triệu USD là chưa đáng lo ngại, nhưng vẫn phải theo dõi sát để đánh giá tiếp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích.

Nhập siêu quay trở lại không khó hiểu, bởi 5 tháng qua hầu hết các ngành hàng xuất khẩu lớn đều có tóc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu dệt may; giày dép; xơ, sợi dệt các loaị đều đạt mức tăng trưởng khả quan, với mức tăng lần lượt là 3,7%; 13,4% và 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đổi lại, nhập khẩu nguyên liệu nhóm hàng kể trên cũng tăng mạnh, trong đó nhập bông 5 tháng tăng gần 20%, trị giá 1,297 tỷ USD, nhập xơ sợi dệt tăng 34,4%, trị giá 1,117 tỷ USD, chi nhập vải xấp xỉ 6 tỷ USD, tăng 33%, nhập nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 32,5%…

Bộ Công Thương cũng đã đưa ra những phân tích khá kỹ lưỡng về các rủi ro, thách thức mà xuất nhập khẩu của Việt Nam phải đối mặt thời gian tới. Thương mại toàn cầu năm 2021 hiện còn ảm đạm và vẫn khó dự đoán, phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19 và việc triển khai tiêm vắc xin phòng chống Covid-19. Ngoài ra, xung đột thương mại Mỹ – Trung vẫn âm ỉ, diễn biến khó lường sẽ tiếp tục có tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

xuatkhau3

Việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin cùng với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày.

Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện ngày càng rõ ràng hơn trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến nay. Biểu hiện cụ thể là số vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng tăng.

Một yếu tố đáng chú ý đuợc Bộ Công Thương nhắc tới là giá cước vận chuyển quốc tế bằng đường biển tăng cao kéo dài từ quý 4/2020 đến nay. Cụ thể, các tuyến châu Á tăng 3-4 lần, các tuyến châu Phi tăng 3-4 lần, các tuyến châu Âu tăng 5-6 lần, thậm chí có những thời điểm tăng 7-8 lần. Trong khi đó, tình trạng thiếu vỏ container vẫn còn tiếp diễn.

Ngoài khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương cho rằng, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin cùng với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Trên cơ sở những phân tích, nhận định về cơ hội thuận lợi và khó khăn thách thức năm 2021, Bộ Công Thương đánh giá trong trường hợp các yếu tố tác động ở mức như hiện tại hoặc thuận lợi hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt khoảng 308 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020.

Về nhập khẩu, căn cứ tiến độ nhập khẩu trong những tháng đầu năm, khả năng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 306 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020. Cán cân thương mại xuất siêu ở mức khoảng 2 tỷ USD.

Linh Nga