Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ nước ngoài, có tập đoàn đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỉ USD.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã cho biết như vậy. Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Tổ công tác đặc biệt đã làm việc nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án lớn. Qua quá trình làm việc, đã có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đàm phán đặt dự án quy mô lớn với giá trị có thể lên tới tỉ USD.
Ông cũng cho biết, hệ thống pháp luật của Việt Nam mà nổi bật là các Luật Doanh nghiệp, Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang, môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư.
“Các dự án có thế mạnh về công nghệ, bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng cao sẽ nhận được các ưu đãi tích cực, điều này cho thấy chúng ta đang thu hút đầu tư chọn lọc” – ông Đỗ Nhất Hoàng nói.
Để chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện thuận lợi đón đầu dòng vốn chất lượng cao đi cùng với các dự án lớn có quy mô, giá trị lớn, cùng với việc thành lập tổ công tác đặc biệt, nhiều chính sách đã và đang được hoàn thiện theo hướng thuận lợi nhất để đón các nhà đầu tư.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đang nghiên cứu các gói chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), phù hợp với từng lĩnh vực, từng nhóm doanh nghiệp” – ông thông tin.
Nói về các tập đoàn công nghệ lớn muốn đầu tư vào Việt Nam thì từ năm 2019, nhiều tập đoàn công nghệ cũng đã lên kế hoạch rời Trung Quốc để tránh bị nạn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Các công ty đa quốc gia như Samsung và LG đã đầu tư dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam thay vì Trung Quốc theo kế hoạch cũ.
Hồi tháng 2, tờ Nikkei (Nhật) cũng thông tin các “ông lớn” như Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch. Kế đó, Hãng trò chơi điện tử Nintendo đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam. Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu vì dịch Covid-19 cũng chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện về Nhật Bản và sang Việt Nam…
Theo đánh giá của nhiều tổ chức định chế lớn trên thế giới, đầu tư của thế giới vẫn đang trong xu thế giảm sâu, thậm chí âm. Việt Nam cũng không tránh khỏi xu hướng này khi vốn đầu tư mới, tăng thêm và giải ngân đều giảm, tuy nhiên, số dự án đăng ký mới tăng 6,6%; dự án tăng thêm 22%. Ngoài ra, các số liệu về xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ giảm 5-6%, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp FDI bị tác động nhưng rất ít.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, làn sóng dịch chuyển FDI trên thế giới không phải giờ mới xuất hiện nhưng trong bối cảnh COVID-19 thì nó là một điểm nhấn, xúc tiến đẩy nhanh quá trình dịch chuyển.
“Nếu ta xác định là một làn sóng thì phải có sự so sánh, nhưng dòng vốn dịch chuyển so với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, sóng đó có tới Việt Nam không thì mới là vấn đề” – ông Toàn lưu ý.
Theo ông Toàn, Việt Nam có cơ hội lớn, cải cách thể chế, tham gia nhiều FTA. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh lớn với các nước khác.
Trước các tín hiệu lạc quan về làn sóng FDI đến Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng chúng ta cần chủ động đón nhận, tận dụng các cơ hội và tháo gỡ vướng mắc. Theo ông Toàn, nguồn nhân lực đang là bài toán khó với Việt Nam khi trình độ, tính kỷ luật còn thấp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam lại có tính sáng tạo, linh hoạt trước công việc và sẵn sàng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Linh Nga