chu_tich_nuoc_2

Chủ tịch nước phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Cụ thể, tham dự và phát biểu tại Phiên họp chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đại dịch là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về sức tàn phá khủng khiếp của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh hay biến đổi khí hậu nếu không được quan tâm, xử lý từ sớm, từ xa. Đại dịch COVID-19 cũng đã làm bộc lộ rõ hơn bao giờ hết những hạn chế, bất cập sâu sắc của hệ thống quản trị toàn cầu, cũng như tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới.

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, trong bức tranh ảm đạm đó, “vẫn sáng lên” nguồn động lực mạnh mẽ từ khát vọng to lớn của toàn nhân loại hướng tới hoà bình, hợp tác và phát triển, cũng như ý thức sâu sắc của các quốc gia về tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế, của tương thân tương ái, của hợp tác đa phương.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá cùng các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương với Liên Hợp Quốc là trung tâm và lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng, để cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu phức tạp như chiến tranh, xung đột, tranh chấp tài nguyên, biến đổi khí hậu và đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến hoà bình, an ninh và phát triển trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến vai trò của hợp tác đa phương mà Liên hợp quốc là trung tâm và đề xuất một số nhóm giải pháp quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là kiểm soát đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch. Để sớm đẩy lùi COVID-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, để vượt qua được đại dịch và phục hồi kinh tế thì nhân tố quan trọng hàng đầu là sự nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia. Nhưng điều đó không có nghĩa là giới hạn trong khuôn khổ các nỗ lực, chính sách, biện pháp cho riêng từng quốc gia. “Tự cường trong phục hồi kinh tế chỉ có thể mạnh mẽ và bền vững khi dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các quốc gia trong một thế giới toàn cầu khi các thách thức an ninh phi truyền thống vượt khỏi biên giới mọi quốc gia, trở thành vấn đề không của riêng ai”, chủ tịch nước nhấn mạnh.

“Chúng tôi đánh giá cao và mong mỏi hệ thống phát triển Liên hợp quốc tiếp tục đồng hành, hợp tác với các quốc gia thành viên trong nỗ lực này, đáp ứng hài hòa các quan tâm, lợi ích phát triển của tất cả các quốc gia” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-tham-du-khai-mac-phien-thao-luan-chung-cap-cao-khoa-hop-thu-76-dai-hoi-dong-lhq_3

Toàn cảnh Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76

Chủ tịch nước cũng đề cập xu hướng các nước cần biến các thách thức thành những cơ hội cho phát triển. Đó là cơ hội để chuyển đổi số, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và sức tự cường của nền kinh tế. Đó cũng là cơ hội để chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững và cũng là cơ hội để tiếp tục thuận lợi hoá đầu tư, thương mại, hợp tác lưu chuyển hàng hoá, con người, duy trì các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước áp lực của biến đổi khí hậu toàn cầu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hơn lúc nào hết nhiệm vụ hợp tác để giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu đang đặt ra vô cùng cấp bách. Tình hình đó đòi hỏi phải khẩn trương hành động bảo vệ hành tinh xanh, thực hiện cam kết để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C.

Hướng tới Hội nghị COP-26, các nước cần gia tăng nỗ lực cắt giảm phát thải, với vai trò đi đầu của các nước phát triển. Đồng thời, các nước phát triển cần đề cao trách nhiệm hỗ trợ cho các nước nghèo, nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực để giảm phát thải, thích ứng, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, hướng tới chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Đó là cơ hội cho sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên xanh

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi COVAX và các nước có năng lực đẩy mạnh cung ứng vaccine cho các nước đang phát triển. Chủ tịch nước kỳ vọng ít nhất 70% dân số các nước này sẽ hoàn tất tiêm chủng trước kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm sau.

Chia sẻ về tình hình Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết khát vọng của dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước hùng cường vào năm 2045, với Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân, khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt, ý chí quật cường, khối đại đoàn kết và phát huy năng lực đổi mới sáng tạo của toàn dân tộc. Chủ tịch nước khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

“Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, song Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc. Đó sẽ là chiến thắng vĩ đại của tất cả chúng ta” – Chủ tịch nước khẳng định.

Cẩm Anh