Chuyển tới nội dung

Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới

Việc nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona tạo tiền đề để các chuyên gia ở Việt Nam tiến tới sản xuất các kit thử nhanh, vacxin và các biện pháp dự phòng.

Trước dịch bệnh nCoV đang hoành hành, khiến không ít người lo sợ, ngày 7/2, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã công bố tin vui khi nuôi cấy thành công virus corona mới, tạo tiền đề để xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV.

Với việc này mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết.

Hiện Việt Nam đã thiết lập hệ thống các phòng xét nghiệm cho việc xét nghiệm và chúng ta hoàn toàn chủ động trong vấn đề xét nghiệm. Đây sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng chống loại virus này trong tương lai.

Hiện đang có trên 1.000 người từ Trung Quốc trở về Việt Nam và gần 500 người có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát chặt chẽ theo quy định.

Cùng với Việt Nam, các nhà khoa học trên thế giới cũng đang tích cực làm việc để tìm cách ngăn chặn chủng virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp lây lan.

Tại Tokyo, Nhật Bản, Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) vừa nuôi cấy và cô lập thành công chủng virus corona từ một bệnh nhân nhiễm virus này.

Theo NIID, chuỗi gene của chủng virus đã được cô lập trùng khớp tới 99,9% với chuỗi gene của virus corona mà Chính phủ Trung Quốc đã công bố. Trong virus đã được cô lập này, không có bất cứ sự biến đổi nào về gene có thể dẫn tới sự lây nhiễm hay độc tính cao hơn.

Với thành công này, NIID sẽ bắt đầu quá trình phát triển vaccine phòng ngừa, thuốc chữa trị và thiết bị chẩn đoán nhanh virus corona. Bên cạnh đó, NIID dự định sẽ chia sẻ chủng virus đã bị cô lập này cho các nhà nghiên cứu và công ty trong lúc cố gắng tìm ra cơ chế lây nhiễm, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu về độc tính của chúng.

Tại Australia, các nhà nghiên cứu đã được giao nhiệm vụ xác định những đặc tính chủ yếu của chủng virus corona để chuẩn bị cho việc thử nghiệm vaccine phòng bệnh.

Theo đó, Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI) toàn cầu đã đề nghị Cơ quan Khoa học Liên bang Australia (CSIRO) nghiên cứu, xác định thời gian cần thiết để phát triển và nhân bản của virus corona cũng như tác động của nó đến hệ hô hấp và cách truyền bệnh.

CSIRO sẽ tiến hành nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm thú y Australia tại Geelong, bang Victoria, một trong 5 phòng thí nghiệm hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Sau khi có được đầy đủ thông tin cần thiết về virus corona, các nhà khoa học CSIRO sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine với sự trợ giúp của một tập đoàn thuộc CEPI nhằm rút ngắn thời gian bào chế vaccine từ vài năm xuống còn vài tuần.

Trước đó, ngày 29/1, các nhà nghiên cứu tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở thành phố Melbourne cũng đã lần đầu tiên tái tạo được virus corona trong phòng thí nghiệm bên ngoài Trung Quốc.

Tại Israel, Thủ tướng Netanyahu cho biết Viện nghiên cứu sinh học và Bộ Y tế nước này đã được giao nhiệm vụ phát triển vaccine phòng chống virus corona.

Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh: “Mục tiêu trước tiên của chúng tôi là làm chậm sự lây lan của virus này tới Israel. Tôi nói ‘làm chậm’ bởi vì sự lây lan là tất yếu và loại virus này sẽ đến”.

Ngoài ra, các nhà khoa học nước này đã tạo ra 2 loại khẩu trang tái sử dụng 100 lần và có thể diệt virus.

Một trong hai loại khẩu trang mới này do Công ty Sonovia (Israel) sản xuất. Sonovia đã áp dụng công nghệ siêu âm xử lý các sợi polyester-cotton dùng sản xuất khẩu trang. Đây là sáng chế của 2 giáo sư hóa học thuộc Đại học Bar-Ilan.

Công ty Sonovia đang tìm một phòng thí nghiệm phù hợp để gửi loại sợi này đến nhằm thử nghiệm hiệu quả diệt loại siêu vi corona đang gây bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Loại khẩu trang kháng khuẩn thứ hai là do Công ty Argaman ở thủ đô Jerusalem sáng tạo. Loại này có tên là Bio-Block cũng có thể giặt để tái sử dụng đến 100 lần. Ưu điểm của loại khẩu trang này là người đeo vẫn có thể hô hấp bình thường, không bị kín khí như loại khẩu trang y tế N95.

Loại khẩu trang Bio-Block này hiện chưa được thử nghiệm về khả năng ngăn chặn và tiêu diệt siêu vi 2019-nCoV, nhưng Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã cho thử nghiệm lâm sàng tại một số bệnh viện cho thấy loại sợi Bio-Block dùng dệt chăn, ga trải giường bệnh có khả năng làm giảm lây nhiễm các tác nhân gây bệnh (loại đã kháng nhiều loại kháng sinh) xuống còn 50%.

Trước đó, chiều 31/1, Viện Pasteur Paris thông báo đã tìm cách phân lập và nuôi cấy thành công các chủng virus corona mới. Thành quả này là một bước tiến lớn tại châu Âu trong việc nghiên cứu vaccine và lập phác đồ điều trị.

Trước đó, Trung Quốc và Australia cũng đã thành công trong việc nuôi cấy này.

Lam Song

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved