Chuyển tới nội dung

Việt Nam nỗ lực bảo vệ tầng ozone, bảo quản thực phẩm và vaccine

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone theo lộ trình nghị định thư quy định.

vnpkhi_thai

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp gây ra nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội cho nhân loại, năm 2021, Ban Thư ký Công ước ozone quốc tế đã lựa chọn chủ đề của Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone (16/9) là “Nghị định thư Montreal: Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vaccine.”

Hưởng ứng sự kiện trên, Việt Nam đã tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, duy trì sự ổn định kinh tế và các hệ sinh thái.

Thu hẹp “lỗ thủng” tầng ozone

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone (Nghị định thư Montreal) là một trong những thỏa thuận quốc tế thành công nhất cho đến nay đã góp phần thu hẹp “lỗ thủng tầng ozone.”

Thực tế cho thấy sự ra đời của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal cùng với lộ trình loại trừ dần các chất hydrofluorocarbon (HFC) đã mang lại nhiều lợi ích về khí hậu. Mặc dù HFC không phá hủy tầng ozone nhưng khi sử dụng, những môi chất lạnh này sẽ sản sinh khí nhà kính làm nhiệt độ (gây hại cho tầng ozone). Vì thế, việc giảm sử dụng các chất HFC sẽ tránh được sự gia tăng 0,4 độ C nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ 21.

Ngoài ta, Bản sửa đổi, bổ sung Kigali cũng tạo cơ hội để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực làm mát, quản lý loại trừ các chất HFC. Các công nghệ thay thế HFC mang lại cơ hội tạo ra hệ thống điều hòa không khí và các thiết bị làm lạnh tiết kiệm điện năng hơn, cho phép mở rộng hệ thống làm mát phục vụ con người mà không làm gia tăng các tác động đến khí hậu.

Đặc biệt, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự kết hợp của việc giảm tiêu thụ HFC và nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng lạnh, nhất là ở các nền kinh tế đang phát triển, cũng sẽ giúp tránh được sự lãng phí về thực phẩm. Điều này sẽ giúp cho người nông dân, các nhà cung cấp dược phẩm tiếp cận với các kho chứa làm lạnh sơ bộ, bảo quản lạnh, đảm bảo các sản phẩm như thực phẩm và vaccine phòng chống dịch bệnh đến tay mọi người trong điều kiện an toàn và tốt nhất.

Là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone kể từ tháng 1/1994, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone theo lộ trình nghị định thư quy định.

vnp_onkk_tn

Ảnh minh họa.

 

Đến nay, Việt Nam đã dần loại bỏ hoàn toàn các chất làm suy giảm tầng ozone như: Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010; cấm sử dụng methyl bromide không phục vụ kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu, loại trừ hoàn toàn tiêu thụ chất trợ nở hydrochloroflurocarbons (HCFC) nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp từ 1/10/2015, qua đó đã đáp ứng nghĩa vụ loại trừ được 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo lộ trình.

Nỗi lực cắt giảm các chất HFC

Tiếp nối các hành động ý nghĩa góp phần bảo vệ tầng ozone trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam cần thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC (tương đương với hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC chỉ còn 2.600 tấn, giảm 1.000 tấn so với giai đoạn trước).

Trước đó, trong tháng 9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Theo đó, Việt Nam đặt ra lộ trình quản lý, cắt giảm các chất HFC trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2045.

Một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ozone trên là Việt Nam đã luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozone vào trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và quy định chi tiết tại các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 như: Bổ sung nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozone; quy định chi tiết hơn các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tổ chức và phát triển thị trường cacbon trong nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone.

Bên cạnh đó, các nguyên tắc quản lý và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát cũng được cụ thể hóa theo hướng giảm tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm triển khai Nghị định thư Montreal tại Việt Nam đồng bộ và hiệu quả.

Tuy vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý rằng việc triển khai Nghị định thư Montreal tại Việt Nam sẽ đồng bộ, hiệu quả hơn khi Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone được ban hành.

Vì thế, để triển khai Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các dự thảo Nghị định và Thông tư quy định chi tiết để cùng có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, bảo đảm Luật và các văn bản quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone song hành đi vào cuộc sống./.

Theo TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved