Việt Nam vừa thành lập Ban Chỉ đạo thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin di động 6G và là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu nghiên cứu 6G.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G, do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Theo đó, Cục Viễn thông là đơn vị thường trực Ban chỉ đạo, có trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo điều phối hoạt động của Ban chỉ đạo theo kế hoạch đề ra, đồng thời bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban chỉ đạo.
Trước đó tại hội nghị tổng kết năm 2021 của Khối Viễn thông, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra mục tiêu cho ngành Viễn thông Việt Nam “trong nhóm đầu về phát triển mạng 5G, 6G của thế giới”.
Để làm được điều này, năm nay, Việt Nam sẽ khởi động nghiên cứu 6G, bên cạnh việc phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc. Tại hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra mục tiêu tần số 6G có thể được cấp phép vào năm 2028, trước khi tiến tới thương mại hóa.
Công nghệ 6G là một chuẩn kết nối tiếp bước thế hệ mạng 5G. Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, mạng 6G sẽ mang lại một loại hình Internet hoàn toàn mới giúp con người chạm tay gần hơn vào thế giới ảo. Trong khi tốc độ mạng 5G đạt tới 20 Gbps, thì mạng 6G hướng tới tốc độ Tegabit (Tbps) nhanh hơn vài trăm đến vài nghìn lần mạng 5G.
Theo chu kỳ, mỗi thế hệ mạng mới thường được triển khai sau 10 năm và 6G được dự đoán sẽ khai thác thương mại vào năm 2030. Những nước đã sẵn sàng cho nghiên cứu triển khai công nghệ mạng 6G như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, châu Âu…
Nhiều hãng đang tăng tốc phát triển công nghệ nhằm chiếm thế tiên phong trong việc xác định các tiêu chuẩn của mạng 6G.
Tuy vậy, theo các chuyên gia công nghệ thông tin, công nghệ mới luôn là xu hướng của tương lai nhưng thương mại hóa sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nhu cầu sử dụng, thiết bị đầu cuối, hiệu suất đầu tư của doanh nghiệp….
Phương Nhi