Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Theo đó, tại Diễn đàn kinh tế Pháp – Việt Nam lần thứ nhất, nhiều doanh nghiệp Pháp đã bày tỏ mong muốn đầu tư và trao đổi kinh tế thương mại với các doanh nghiệp Việt.
Nói về tiềm năng tại thị trường Việt Nam, trước đó báo đầu tư của Pháp có bài “Việt Nam – Miền đất hứa của châu Á”, với nhìn nhận lực lượng lao động tay nghề cao, hệ thống các hiệp định thương mại và những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.
Chuyên trang kinh tế và tài chính của Thuỵ Sĩ thì nhận định: Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế của Chính phủ và sự hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Như vậy, trước các bất ổn kinh tế – chính trị trên phạm vi toàn cầu, việc các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn giữ vững niềm tin vào sức mạnh nội tại và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam là hết sức tích cực.
Liên quan đến mảnh đất hứa Việt Nam, tại Diễn đàn kinh tế Pháp – Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Pháp, chủ đề về xuất nhập khẩu, đầu tư, triển vọng hợp tác trao đổi kinh tế thương mại với Việt Nam và những kinh nghiệm chia sẻ đã thu hút sự tham dự của khoảng 100 đại diện doanh nghiệp của Pháp và Việt Nam.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp Pháp cho rằng, có 3 lý do để đầu tư vào Việt Nam. Đó là nguồn nhân lực chăm chỉ, năng động, sáng tạo; nền kinh tế cởi mở vào bậc nhất ở châu Á và thị trường phát triển thương mại đầy tiềm năng.
Theo ông Thierry Modica, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Aix Marseille Provence (CCI Aix Marseille Provence), cho biết: “Tiềm năng hợp tác về kinh tế giữa hai bên là rất lớn. Chúng tôi có một cộng đồng đông đảo người Việt Nam ở Marseilles và các vùng lân cận. Các doanh nghiệp của chúng tôi mong muốn đầu tư vào Việt Nam và đẩy mạnh giao lưu kinh tế với nước này. CCI của chúng tôi có 14.000 công ty là thành viên và nhiệm vụ của chúng tôi là kết nối các công ty của cả hai bên”.
Diễn đàn kinh tế được tổ chức chính là để nhằm phát triển và thúc đẩy mối quan hệ đối tác và trao đổi thương mại giữa Pháp và Việt Nam và ngược lại, ông Thierry Modica khẳng định.
Tham dự diễn đàn với mong muốn gặp gỡ các đối tác có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và làm cầu nối giữa doanh nghiệp Pháp và Việt Nam, ông Thierry Mermet, CEO công ty Source of Asia, cho biết đã có mặt tại nước này từ 25 năm nay, chứng kiến toàn bộ quá trình mở cửa và sự phát triển mạnh mẽ của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Chưa bao giờ Việt Nam lại thuận lợi và sẵn sàng chào đón đầu tư nước ngoài như hiện nay, bởi vì từ 15 – 20 năm trở lại đây, Việt Nam ngày càng tăng trưởng và mở cửa. Nhưng một lý do quan trọng khác, đó là việc đóng cửa của Trung Quốc và những khó khăn trong việc giao thương giữa các nước phương Tây với Nga đã khiến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành khu vực kinh tế lớn duy nhất trên thế giới hiện nay có tốc độ phát triển mạnh mẽ, có sự năng động, có dân số trẻ, có sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài và Việt Nam là một trung tâm của khu vực này”, ông Thierry Mermet đánh giá.
Với ông Julien Brun, công ty tư vấn CEL, có 3 lý do để đầu tư vào Việt Nam. Đó là nguồn nhân lực chăm chỉ, năng động và sáng tạo; nền kinh tế cởi mở vào bậc nhất ở châu Á và thị trường phát triển thương mại đầy tiềm năng. Tuy nhiên, ông cho rằng “Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng bến cảng, sân bay để đáp ứng hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào nước này trong thời gian tới. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ưu tiên lao động trí thức hơn là lao động chân tay, để đáp ứng nhu cầu số hóa các quy trình vận hành nhà máy bằng hệ thống tự động hoặc robot trong tương lai”.
Thanh Mai