Hiện cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, quy mô xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu.
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021 – 1/2022), chỉ xếp sau Brazil. Việt Nam đứng đầu về năng suất trồng cà phê khi đạt 2,4 tấn/ha.
Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân giúp xuất khẩu cà phê tăng trưởng tích cực đó là ngành hàng này đã chú trọng vào tăng tỷ trọng xuất khẩu cà phê qua chế biến, thay vì đa phần là xuất thô như trước. Trong khi nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam ưa chuộng cà phê Robusta, thị hiếu của thế giới đa phần lại ưa chuộng cà phê Arabica.
Mặc dù đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,78 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.293 USD/tấn.
Hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở sản xuất cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm.
Cà phê là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu, đạt trên 3 tỷ USD/năm. Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: Châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Tại thị trường châu Âu, Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai sau Brazil (22,2%), chiếm 16,1% thị phần về lượng.
Nhận định về cà phê Việt, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, muốn xây dựng thương hiệu cà phê phải đi từ cảm xúc gắn với văn hoá. Cà phê là một nét văn hóa. Tôi muốn nói với doanh nghiệp rằng muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc người tiêu dùng.
Rất nhiều doanh nghiệp cà phê lớn không tham gia Hiệp hội cà phê và Ca cao Việt Nam. Ngay như con cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay thống lĩnh thị trường thế giới, không ai cạnh tranh lại mà cũng có lúc trồi sụt, không bền vững thì cà phê chịu nhiều cạnh tranh. Muốn cạnh tranh thì phải xây dựng thương hiệu.
Chúng ta muốn truyền thông điệp tăng giá trị cà phê lên 5-10 lần thì phải định vị lại dòng sản phẩm, xu thế thị trường nhu cầu thị trường. Nếu chúng ta nói câu chuyện chế biến tinh thì cần tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để cung cấp sản phẩm phù hợp.
Còn theo nhận định của Bộ Công Thương, ngành cà phê cần tạo ra những sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao có giá trị gia tăng trên thị trường, trong đó, chú trọng khai thác tối đa lợi thế của chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm cà phê của Việt Nam để xuất khẩu và bán sản phẩm ra hệ thống phân phối của nước ngoài bằng thương hiệu cà phê mang chính tên mình.
Để phát triển bền vững ngành cà phê, trước đó tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, Bộ NN&PTNT và các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành cà phê, thực hiện hiệu quả tái canh cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị cà phê; đẩy mạnh công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phó thủ tướng cũng lưu ý cần nắm bắt xu thế tiêu dùng của thị trường, phải xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của tỉnh. Cần xúc tiến mối quan hệ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; đa dạng kết nối người sản xuất với người tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản với hương vị đặc thù được chứng nhận quốc tế.
Tú Chi