Việt Nam đang chuyển sang làn sóng cải cách lần thứ 3. Đó là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đơn giản hóa toàn diện quy định liên quan đến các hoạt động kinh doanh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành Quy định Tốt ASEAN-OECD lần thứ 6 “Quy định tốt hơn để khôi phục sau đại dịch COVID-19”, ngày 11/8.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tất cả các văn bản của Chính phủ tới các bộ, ngành địa phương 4 cấp, cả cấp tỉnh, huyện, xã và ngược lại từ cấp xã, huyện, tỉnh lên đến cấp bộ và chính phủ được áp dụng chữ ký số của tập thể và cá nhân. Như vậy, toàn bộ văn bản điện tử sẽ thay cho văn bản giấy như trước đây.
Mặc dù đã đạt được những kết quả về cải cách quy định cắt giảm gánh nặng tuân thủ về thủ tục hành chính, nhưng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Việt Nam nhận thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng một hệ thống thể chế, một quy định tốt hơn theo các chuẩn quốc tế.
Cụ thể, Việt Nam phấn đấu sớm vào nhóm ASEAN-4 và hướng tới các tiêu chuẩn cao của OECD về xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh.
“Do đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng OECD và ASEAN. Để những nỗ lực của Việt Nam phát huy hiệu quả đối với khu vực và quốc tế, góp phần vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính cho biết, Việt Nam luôn kiên định mục tiêu cải cách, cắt giảm các quy định để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Việc cải cách đã bước sang làn sóng thứ 3. Với làn sóng thứ nhất, Việt Nam đã tập trung cắt giảm,đơn giản hóa các quy định hành chính.
Kết quả đạt được là đã công khai minh bạch gần 6.000 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 4.800 thủ tục hành chính, chi phí tiết kiệm được theo mô hình chi phí chuẩn lên đến 1,6 tỷ USD/năm.
Tại làn sóng thứ hai, Việt Nam chủ yếu tập trung vào cắt giảm các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, cũng như mở rộng cơ chế triển khai một cửa, một cửa liên thông, và từng bước đưa công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính.
Với kết quả của làn sóng thứ hai, Việt Nam đã đơn giản và cắt giảm được trên 3.800 điều kiện kinh doanh, trên 6.776 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Với chi phí tiết kiệm được trên 260 triệu USD/năm.
Năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam đang thực hiện làn sóng thứ 3 về cải cách các quy định. Chương trình này tập trung tổng thể hơn về toàn thể các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cũng như các chế độ báo cáo mà doanh nghiệp phải báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
“Việt Nam cũng đưa thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thông qua việc thay đổi phương thức để bảo đảm tính mạng của người dân. Đồng thơi, các cơ quan cũng như người dân được thay phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến”, ông Phan cho biết.
Và như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ, hiện nay Việt Nam đang có gần 1.000 dịch vụ công đưa đến cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân và doanh nghiệp. “Riêng chi phí tiết kiệm được thông qua việc đưa các dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia tương đương khoảng 300 triệu USD/năm” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Vẫn theo ông Ngô Hải Phan, trong thời kỳ COVID-19 hoành hành, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chính sách, quy định linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn. Đặc biệt, vấn đề an sinh xã hội luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm.
Nguyễn Việt