Sau hơn 9 tháng phát động và xét chọn, tối 25/11/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia 2020, công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020. Đây là những doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu Việt Nam trên thị trường sản xuất, kinh doanh, dịch vụ toàn cầu.
Trên thực tế, hiện tại tác động của đại dịch COVID-19 vẫn vô cùng phức tạp, gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ toàn cầu. Tuy nhiên, đây lại cũng là năm Việt Nam có số lượng doanh nghiệp và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia (THQG) tăng cao nhất.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, giá trị THQG của Việt Nam liên tục tăng trong bảng xếp hạng thế giới những năm qua, ngoài những tên tuổi như: Vietnam Airlines, Viettel, MobiFone, Vinamilk, Hòa Phát, Vietcombank, TH True Milk, Thiên Long, PVGas, Biti’s, NutiFood, Traphaco… Chương trình THQG năm nay cũng xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu, hay những sản phẩm, dịch vụ còn mới mẻ như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm… càng chứng tỏ hơn nhận thức của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau về tầm quan trọng của thương hiệu.
Thành quả này có sự chung tay tích cực của các doanh nghiệp THQG nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung – mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng vị thế cho THQGViệt Nam trên thị trường quốc tế.
Hầu hết các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, trong số đó có những doanh nghiệp tăng trưởng gần 70%.
Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG năm 2020 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổng hợp, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng; tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137.000 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách Nhà nước trên 200.000 tỷ đồng, tạo công việc cho hơn 471.000 lao động.
Phát biểu tại buồi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Chương trình THQG rất tự hào đã truyền cho các doanh nghiệp động lực phát triển tích cực và mục tiêu phấn đấu chân chính vì niềm tự hào đại diện cho THQG Việt Nam.Theo số liệu của tổ chức Brand Finance, THQG Việt Nam được định giá tăng 29%, từ 247 tỷ USD năm 2019 lên 319 tỷ năm 2020 đồng thời tăng thêm 9 hạng, từ hạng 42 lên hạng 33 thế giới và Việt Nam được đánh giá là trường hợp thăng hạng nhanh trên thế giới. Cùng với sự phát triển của THQG Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước đạt trên 9,3 tỷ USD.
Tại Lễ Công bố, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Bộ Công Thương, Hội đồng THQG Việt Nam và các doanh nghiệp THQG Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2020 là một năm đầy biến động với nhiều khó khăn, thách thức mà không một doanh nghiệp nào dự đoán hoặc có sẵn kịch bản ứng phó, nhưng các doanh nghiệp THQG Việt Nam đã không ngừng chủ động, nỗ lực tiên phong, đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động của mình. Những thành tựu mà các doanh nghiệp THQG Việt Nam đã đạt được thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp cũng như tăng khả năng cạnh tranh của hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Phó Thủ tướng tin tưởng, trong thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tham gia và đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam như mục tiêu đã đề ra, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Quốc Cường