Chuyển tới nội dung

Việt Nam – Italy: Khai thác hiệu quả EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu lực được gần 2 năm, mang lại những kết quả tích cực đối với Việt Nam và một số đối tác châu Âu.

Những kết quả khả quan

Sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, trao đổi thương mại hai chiều đạt kết quả rất khả quan. Trong năm 2021, bất chấp tác động của dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5,6 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020. Trong Liên minh châu Âu (EU), Italy là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ sau Hà Lan, Đức và Pháp. Nếu trừ phần nhập khẩu vào Đức, Pháp và Hà Lan để trung chuyển đi nước khác, vị trí của Italy sẽ còn cao hơn.

ec8b969c4ad343a757b561756e988988

Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Italy

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Italy bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc, dụng cụ phụ tùng, hàng thủy sản, cà phê, dệt may, giày dép… Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia đứng thứ nhất trong số những nước Italy nhập khẩu hạt điều bóc vỏ, chiếm khoảng 60 – 70% tổng kim ngạch nhập khẩu hạt điều của Italy.

Nhờ có EVFTA, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đã tăng vọt. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Italy đạt gần 22,5 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với hàng thủy sản, có tới 51,8% các dòng thuế thuộc Chương 3 trong biểu mã HS hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu tại EU ngay khi EVFTA có hiệu lực… Hay chè, cà phê, 100% số dòng thuế được xóa bỏ về 0%; quế, hoa hồi, hạt tiêu, hạt điều, hoa quả thì có tới 86,3% số dòng thuế sẽ về 0%.

Đặc biệt, đối với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan TRQ 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, không áp dụng hạn ngạch. Trong khi đó, Italy là quốc gia xuất nhập khẩu gạo khá lớn ở EU.

Đề nghị Italy sớm phê chuẩn EVIPA

Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Chính phủ Italy tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách ưu tiên hợp tác về thương mại, đầu tư giai đoạn sau năm 2020 đồng thời khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Italy mở rộng đầu tư. Trong khi đó, Thủ tướng Mario Draghi cam kết Chính phủ Italy sẽ thúc đẩy Quốc hội Italy sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), khẳng định các doanh nghiệp Italy mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực: Năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nước, đổi mới sáng tạo…

Với Hiệp định EVIPA, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn…

Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo EVFTA, việc thực thi EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh.

Thu Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved