Tiếp tục chuyến thăm chính thức Iran, chiều 9/8 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm và có bài phát biểu quan trọng về quan hệ “Việt Nam-Iran hợp tác vì hoà bình và phát triển” tại Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran (Viện IPIS) tại Thủ đô Tehran.
Phát biểu trước các học giả, nhà nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong 50 năm qua, các thế hệ đi trước đã không ngừng dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Iran đạt nhiều thành quả đáng tự hào và là tiền đề, nền móng để mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước trong nửa thế kỷ tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện công cuộc đổi mới. Sau 35 năm (từ năm 1986-2021), quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần. Chủ tịch Quốc hội trao đổi 3 bài học chính được rút ra từ thực tiễn của Việt Nam.
Một là, kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam với tinh thần lấy dân làm gốc. Nhân tố quyết định thành công của Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhờ sự lãnh đạo nhất quán, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam.
Hai là, Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Ba là, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả.
Trên tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ, toàn diện cả 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước (bao gồm ngoại giao Nghị viện, ngoại giao Chính phủ) và đối ngoại nhân dân.
Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến đổi phức tạp, khó lường, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, tích cực hợp tác, chủ động hội nhập quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ.
Về mối quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Chúng ta cùng chia sẻ khát vọng đẩy mạnh hợp tác vì hòa bình và phát triển trên nền tảng quan hệ chính trị-ngoại giao song phương đang hết sức tốt đẹp”. Hướng tới một tương lai hòa bình và phát triển với tầm nhìn 50 năm tới cho quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên cùng chung tay củng cố 4 kết nối.
Về kết nối cơ chế đối thoại và hợp tác, Iran là một trong 4 nước đầu tiên tại khu vực Trung Đông mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày nay, Việt Nam và Iran coi nhau là đối tác quan trọng. Chủ tịch Quốc hội mong rằng hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác Nghị viện, Ủy ban Liên Chính phủ, Tham vấn chính trị hai Bộ Ngoại giao và các cơ chế hiện có khác cần được duy trì thường xuyên. Hai bên rà soát, thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác nghị viện có vai trò quan trọng, nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quá trình hợp tác.
Trong kết nối số, KHCN và giao thông, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kết nối số và KHCN có thể xóa mờ rào cản về địa lý, mang lại giá trị gia tăng cao cho hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như viễn thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, công nghệ nano để cùng nhau mở ra cánh cửa tương lai.
Trong kết nối về thương mại-đầu tư, Chính phủ hai nước cần tạo điều kiện để hàng hóa, dịch vụ thâm nhập thị trường của nhau, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối thương mại và đầu tư. Các cơ quan Nhà nước tháo gỡ các khó khăn, đề ra các sáng kiến mới để cộng đồng doanh nghiệp hai nước hợp tác một cách có hiệu quả.
Trong kết nối về con người, theo Chủ tịch Quốc hội, bề dày và những nét tương đồng về văn hóa là tài sản quý để thúc đẩy các mối liên kết hai nước. Du lịch và giáo dục là hai cầu nối quan trọng, giúp cho tình hữu nghị của người dân và thế hệ trẻ hai nước ngày càng bền chặt hơn. Chủ tịch Quốc hội mong rằng hợp tác giáo dục sẽ vun đắp cho tương lai chung hai đất nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp Iran; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thể thao giữa Bộ VHTT&DL với Bộ Thể thao và Thanh Niên Iran; Thoả thuận hợp tác giữa tổ chức Tiêu chuẩn Quốc gia Iran và Cơ quan Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng Việt Nam; Thoả thuận hợp tác giữa Cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) và Cơ quan xúc tiến thương mại Iran; Bản ghi nhớ về về kiểm dịch thực vật và kiểm dịch động vật giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Nông nghiệp Iran.
*Trước đó, chiều cùng ngày, tại Viện IPIS, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và TS. Muhammad Hassan Shaykh Al Islami, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran, Viện trưởng Viện IPIS, Bộ Ngoại giao Iran đã cắt băng khai trương và tham quan Triển lãm ảnh về 50 năm quan hệ song phương Việt Nam-Iran.
Chủ tịch Quốc hội làm việc với Trung tâm Công nghệ và đổi mới sáng tạo Iran
Ngày 9/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thăm, làm việc tại Trung tâm Công nghệ và đổi mới sáng tạo Iran (IHIT) ở Thủ đô Tehran.
Tại cuộc gặp, Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber và lãnh đạo IHIT khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Iran tại khu vực; đồng thời bày tỏ mong muốn củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Đặc biệt, theo các nhà lãnh đạo Iran, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là lĩnh vực quan trọng ưu tiên bậc nhất trong tăng cường quan hệ hai nước.
Lãnh đạo IHIT mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trao đổi với lãnh đạo trung tâm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan hệ giữa Việt Nam-Iran đang phát triển tốt đẹp, trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, hợp tác kinh tế ngày càng đa dạng và nhiều tiềm năng… Đây là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác.
Về tiềm năng và mong muốn tìm hiểu, thúc đẩy cơ hội hợp tác của hai bên như mong muốn của lãnh đạo IHIT, Chủ tịch Quốc hội khẳng định để có thể duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững trong nhiều năm, Việt Nam phát triển dựa trên 3 yếu tố đột phá mang tính quyết định, đó là cải cách thể chế; đầu tư cho giáo dục, KHCN và đầu tư kết cấu hạ tầng. Lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số đã được quan tâm, chú trọng; với chính sách yêu cầu mỗi viện nghiên cứu, trường đại học… là một trung tâm đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Quốc hội thông báo Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, trực thuộc Bộ KH&ĐT, dự kiến khánh thành vào cuối tháng 10/2023. Đây được kỳ vọng sẽ là trung tâm về công nghệ, khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp lớn nhất khu vực, tập trung số lượng lớn các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học, doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới (như mô hình của doanh nghiệp Samsung của Hàn Quốc tại đây), nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện, triển lãm, diễn đàn, hội thảo khoa học chuyên ngành quy mô quốc gia và khu vực.
Các nhà lãnh đạo IHIT kỳ vọng Việt Nam và Iran có nhiều cơ hội, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, công nghệ nano, công nghệ sinh học và cả lĩnh vực nghiên cứu vệ tinh, vi điện tử… Theo ý kiến gợi ý của Chủ tịch Quốc hội và đánh giá của lãnh đạo IHIT, IHIT sẽ sớm tổ chức nghiên cứu, lập kế hoạch tăng cường việc nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin cập nhật lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Lãnh đạo IHIT sẽ phối hợp, trao đổi và nghiên cứu các cơ quan, đơn vị hữu quan đặt trụ sở tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cam kết Quốc hội và Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Iran, như IHIT hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả, vì lợi ích hai bên.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng mời Phó Tổng thống Iran sắp xếp thời gian sang thăm Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội gửi lời mời lãnh đạo IHIT tham dự, trưng bày các sản phẩm, dịch vụ của IHIT tại Lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia vào tháng 10/2023.
Khai mạc Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Iran
Tối 9/8 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự lễ khai mạc Tuần Văn hóa Việt Nam tại Iran nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Iran.
Sự kiện do Bộ VHTT&DL phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, một số đơn vị của Iran tổ chức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Thủ đô Tehran.
Cùng dự về phía Iran có Bộ trưởng Văn hóa và Định hướng Hồi giáo Iran Mohammad Mehdi Esmaili; đại diện Đoàn ngoại giao ở Tehran; lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo cộng đồng bà con Việt Nam và công chúng tại Tehran.
Các nhà lãnh đạo, đại biểu nhấn mạnh đây là thời điểm tốt nhất để hai bên nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, cùng trao đổi để xác định các phương hướng, biện pháp cụ thể cho chặng đường tiếp theo.
Bộ trưởng Mohammad Mehdi Esmaili nhấn mạnh triển vọng sắp tới hai bên sẽ tăng cường quan hệ hợp tác nhiều hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh. Với vai trò và vị thế ngày càng lớn của Iran tại khu vực Tây Á và của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, cũng như với tiềm năng rất lớn trong hợp tác giữa hai nước, trong thời gian tới, quan hệ Việt Nam-Iran chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới, xứng với tiềm năng của hai bên, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Bộ trưởng cho biết, cá nhân Tổng thống Iran và các nhà lãnh đạo của Iran mong muốn mở rộng quan hệ, giao lưu trên lĩnh vực văn hóa, và hai bộ quản lý lĩnh vực văn hóa hai nước sẽ xem xét ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện những nội dung cụ thể để triển khai trong thời gian tới.
Không gian triển lãm “Sắc màu Việt Nam” và “Tuần phim Việt Nam” tại Iran mong muốn giới thiệu đến bạn bè Iran về vẻ đẹp đất nước Việt Nam, với những điểm đến hấp dẫn, di sản thiên nhiên và văn hóa được UNESCO công nhận, cùng các làng nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công tinh xảo. Bao trùm lên tất cả là hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tươi đẹp, đang hội nhập quốc tế và phát triển năng động, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Theo TTXVN