Với chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh”, diễn đàn là dịp để các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trong ngành đóng góp giải pháp đưa Việt Nam trở thành một quốc gia xanh, bền vững và phát triển hơn.

Một trong những diễn giả chính tại sự kiện là Tiến sĩ Nancy Snow, Giáo sư danh dự Đại học bang California, Fullerton kiêm cố vấn thương hiệu quốc gia cho chính phủ Nhật Bản. Theo bà, thương hiệu quốc gia [tức thương hiệu chung của một quốc gia trong tương quan với các quốc gia khác] cung cấp nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn, nâng cao giá trị tài sản và mang lại lợi thế cạnh tranh, từ đó thu hút đầu tư, khách du lịch và nhiều lợi ích khác.

Bà nhấn mạnh: “Quan ngại xung quanh các vấn đề môi trường và phát triển bền vững đang ngày càng gia tăng. Do đó, thương hiệu quốc gia ‘xanh’ sẽ có ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ hơn, đặc biệt khi nhiều quốc gia đang nỗ lực đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”.

“Việt Nam có cơ hội đặc biệt để định vị mình trên trường quốc tế như là một ‘quốc gia xanh’ – với những thương hiệu quốc gia mạnh, đạt chuẩn xanh, đại diện cho đất nước trên thị trường toàn cầu”, Tiến sĩ Snow nhận định.

Các yếu tố làm nên thương hiệu xanh cho một quốc gia

Cho đến nay, cả giới học thuật lẫn thực tiễn đều chưa đưa ra định nghĩa hay mô hình hoàn chỉnh nào về thương hiệu xanh của một quốc gia. Cách tiếp cận điển hình là tích hợp các vấn đề môi trường và phát triển bền vững vào mô hình thương hiệu quốc gia chung.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Đại học RMIT do Tiến sĩ Erhan Atay và Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên đứng đầu, thương hiệu xanh của một quốc gia có thể được định nghĩa là “thương hiệu bao trùm của một đất nước, đặt trọng tâm và đạt kết quả vượt trội trong việc phát triển bền vững mà vẫn bảo vệ môi trường”.

Theo đó, các yếu tố cấu thành thương hiệu xanh của một quốc gia bao gồm nhận định của công dân trong nước và quốc tế về: Các chính sách của chính phủ nhằm phát triển bền vững song song với bảo vệ môi trường; Nguồn nhân lực của quốc gia – các kỹ năng và năng lực của nguồn nhân lực, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững; Các mặt hàng xuất khẩu của quốc gia, cụ thể là danh tiếng của các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt và thân thiện với môi trường; Sức hấp dẫn của ngành du lịch quốc gia và liệu du lịch có gắn liền với các hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp hay không; Văn hóa và di sản quốc gia gắn liền với các giá trị môi trường; Khả năng thu hút các cá nhân đến sinh sống, làm việc, học tập hay hấp dẫn các doanh nghiệp đến kinh doanh tại quốc gia, nhờ vào uy tín quốc gia được bồi đắp từ các hành động môi trường tích cực.

Theo Tiến sĩ Erhan Atay: “Nói một cách ngắn gọn, thương hiệu xanh giúp các quốc gia định vị mình là đất nước dẫn đầu về tính bền vững với các sản phẩm và dịch vụ được công nhận vì sự tôn trọng môi trường và phát triển bền vững.”

Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh

Các chuyên gia đồng thuận rằng Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong việc xây dựng thương hiệu xanh cho đất nước, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm tiếp theo.

Hành trình ấn tượng của Việt Nam từ một quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình đã giúp 40 triệu người thoát nghèo từ năm 1993 đến năm 2014. Dẫu đạt được thành tích đáng nể này, Việt Nam đang phải vật lộn với các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí và nước, nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học.

Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 56 trên 76 quốc gia về Chỉ số tương lai xanh (Green Future Index – GFI) của Viện Công nghệ Massachusetts và thứ 178 trên 180 quốc gia về Chỉ số hiệu quả môi trường (Environmental Performance Index – EPI) của Đại học Yale.

Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu phát triển cho từng ngành nghề dựa trên các mục tiêu môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với thách thức trong việc đạt được những mục tiêu này do còn phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống như than đá.

Để giải quyết những vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc triển khai mô hình tài chính bền vững, bằng cách xây dựng khuôn khổ bài bản về tài chính xanh cho các dự án khả thi. Khuôn khổ này nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường và khuyến khích áp dụng các thông lệ bền vững trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tính bền vững và nhận thức về môi trường ở cấp quốc gia.

Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên, giảng viên Đại học RMIT, nhận định: “Việt Nam cần áp dụng các chính sách và thông lệ bền vững, quảng bá sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, đồng thời thu hút người dân và doanh nghiệp cùng nỗ lực cải thiện môi trường”.

“Một cách nữa là đưa các yêu cầu liên quan đến thực hành xanh và bền vững làm tiêu chí bắt buộc cho doanh nghiệp khi bình chọn các Thương hiệu quốc gia của Việt Nam”, Tiến sĩ Quyên nói.

Giáo sư Robert McClelland, Trưởng khoa Kinh doanh Đại học RMIT Việt Nam, cho biết thêm: “Bằng cách thúc đẩy các hoạt động và sản phẩm thân thiện với môi trường, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia có trách nhiệm và bền vững, thu hút thêm nhiều khách du lịch, người tiêu dùng và nhà đầu tư toàn cầu quan tâm đến bảo vệ môi trường, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế”.

Đại học RMIT Việt Nam