“Trong phúc có họa”, và “trong họa lại có phúc”. Đại dịch COVID-19 đúng là họa, nhưng cơ hội mà nó mang đến lại là phúc. Và những cơ hội này cho đất nước ta là không hề nhỏ.
Thứ nhất, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đó là cơ hội chơi quân trắng trên bàn cờ kinh tế thế giới.
Trong cờ vua, người chơi quân trắng là người được đi cờ trước một nước. Trong bàn cơ kinh tế, chúng ta được đi trước một nước là nhờ chúng ta đã khống chế đại dịch thành công trước các nước khác. Được đi trước một bước, chúng ta sẽ hạn chế được tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế dễ dàng hơn.
Rõ ràng, nếu kéo dài lệnh cách ly xã hội thêm một thời gian nữa, thì hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế chưa biết sẽ lớn như thế nào. Các doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt; nạn thất nghiệp sẽ tăng cao; Chính phủ sẽ hụt hợi trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho một số lượng dân cư yếu thế ngày càng tăng lên. (Để so sánh, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng đến 25%. Trong lúc dịch bệnh vẫn đang hoành hành). Đồng thời, chúng ta cũng có điều kiện chuẩn bị đầy đủ hơn để chiếm lĩnh thị trường trước và tận dụng các cơ hội mà sự phục hồi kinh tế toàn cầu mang lại.
Thứ hai, căng thẳng giữa Mỹ và các nước phương Tây với Trung Quốc đang làm cho bóng ma của chiến trang lạnh có thể quay trở lại. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức to lớn, thì chiến tranh lạnh vẫn có thể mang lại không ít cơ hội.
Ví dụ, nếu Mỹ tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, thì hàng hóa của Việt Nam sẽ dễ cạnh tranh hơn với hàng hóa của Trung Quốc khi thâm nhập thị trường Mỹ. Ngược lại, nếu hàng hóa, nông sản Mỹ bị tẩy chay ở Trung Quốc, thì hàng hóa Việt Nam cũng sẽ thâm nhập dễ dàng hơn. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu không tận dụng được những cơ hội mà chiến tranh lạnh mang lại, thì chúng ta cần khôn khéo tránh “làm người lính đi đầu” trong cuộc chiến tranh này.
Thứ ba, dựa vào thị trường trong nước nhiều hơn sẽ có cơ hội giúp phát triển kinh tế bền vững hơn. Cho dù, trong thời gian sắp tới, các chuỗi cung ứng của thế giới có dịch chuyển, thì xu thế dịch chuyển về nước sẽ là chủ yếu. Lý do là vì các nước đều muốn tránh khỏi tình trạng cung ứng bị đứt đoạn như vừa qua.
Đồng thời, các nước đều phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp rất cao, nên lôi kéo các doanh nghiệp về nước còn là để giải quyết vấn đề này. Nếu đây là xu thế chính, thì cung cầu sẽ được cân đối trong từng nước sẽ nhiều hơn, thị phần thế giới còn lại sẽ nhỏ bé hơn. Như vậy, thì chúng ta cần chủ động khai thác triệt để thị trường trong nước để phát triển.
Một thị trường với gần 100 triệu dân là không hề nhỏ. Nhưng quan trọng hơn, chiếm lĩnh được thị trường này, chúng ta sẽ đỡ phải đối mặt với những bất ổn và những cú sốc xảy ra khá thường xuyên với thị trường thế giới. Tất nhiên, vẫn có cơ hội đón nhận sự dịch chuyển của một số doanh nghiệp về Việt Nam. Chúng ta cần chủ động nắm bắt cơ hội này.
Thứ tư, phát huy sức mạnh mềm mà chúng ta tích tụ được đặc biệt là qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế. Khống chế thành công đại dịch, Việt Nam trở thành một đất nước nổi tiếng về sự an toàn. Sự nổi tiếng này sẽ giúp chúng ta thu hút dễ dàng hơn các nguồn lực của thế giới đặc biệt là thu hút đầu tư, các sự kiện và khách du lịch quốc tế.
Sự thân thiện và sẵn sàng chia sẻ của người Việt (tặng khẩu trang, thiết bị chống dịch, làm từ thiện ở nước ngoài…) cũng gây được thiện cảm rất lớn. Thiện cảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi tiêu dùng. Với chất lượng và giá cả phù hợp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ có cơ hội được lựa chọn nhiều hơn.
Thứ năm, thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số. Do lây lan qua những tương tác trực tiếp, dịch Covid-19 đã tạo ra áp lực phải sử dụng không gian số cho những tương tác như vậy. Đây lại là cơ hội cho chuyển đổi số và kinh tế số. Cơ hội này cần được tận dụng cho sự phát triển nhanh hơn và bền vững hơn của đất nước nước.
Tóm lại, thế giới thay đổi, thì cơ hội mới cũng sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, mọi cơ hội dù lớn đến đâu cũng chỉ là những khả năng. Chúng có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nhanh nhạy và năng lực hiện thực hóa của người Việt chúng ta.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng