Ngày 25/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc với Thứ trưởng phụ trách Kinh tế đối ngoại của Bộ Ngoại giao Hà Lan – bà Haneke Schuiling, trao đổi về nội dung hợp tác trong lĩnh vực thương mại, logistics, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn giữa hai nước.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá tích cực mối quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.
Hà Lan là thị trường xuất khẩu Top 2 của Việt Nam tại châu Âu. Thị trường Hà Lan luôn được đánh giá là cửa ngõ và là 1 trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa vào thị trường châu Âu, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với châu Âu, một phần không nhỏ hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hà Lan để sang các nước châu Âu khác.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan hơn 2,25 tỷ USD, tăng 18%; nhập khẩu hơn 139,9 triệu USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2021, tăng trưởng 15,9%. Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 2,39 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ.
Về đầu tư, Hà Lan đứng thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp Hà Lan đầu tư 380 dự án, với tổng số vốn đầu tư trực tiếp 13,55 tỷ USD. Các dự án đầu tư chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… trừ một số dự án dầu khí và bia, thực phẩm, các dự án đầu tư của Hà Lan nhìn chung có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều dự án đầu tư của Hà Lan tại Việt Nam hoạt động rất hiệu quả, với các công ty lớn nổi tiếng như Heineken, Unilever, Rroyal Dutch Shell, Philips, Akzo Nobel Coating…
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hà Lan còn nhiều không gian để phát triển, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu lực.
Khẳng định quan hệ hai nước Việt Nam – Hà Lan trong thời gian qua phát triển không ngừng, Thứ trưởng Schuiling cũng kỳ vọng chuyến thăm lần này của bà góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Đối với Hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Schuiling nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp định và còn nhiều dư địa để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Schuiling cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ chương trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Hà Lan có kinh nghiệm.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hà Lan trên nhiều lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực mà Bộ Công Thương phụ trách như thương mại, chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, logistics.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, Hà Lan là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và đề xuất trong thời gian tới, hai bên sẽ có những bước tiến hợp tác cụ thể, hiệu quả hơn nữa trong các lĩnh vực vốn đã có nền tảng hợp tác tốt.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng mong muốn Thứ trưởng phụ trách Kinh tế đối ngoại Hà Lan sẽ quan tâm và tích cực thúc đẩy để Nghị viện Hà Lan sớm đưa việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vào chương trình nghị sự; đồng thời đề nghị Hà Lan xem xét đề nghị EU sớm gỡ bỏ “thẻ vàng IUU” đối với thủy sản Việt Nam.
Kết thúc buổi họp, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, thúc đẩy các dự án cụ thể trong các lĩnh vực thương mại, logistics, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.
Cùng ngày, Thứ trưởng Schuiling đã có buổi gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Thứ trưởng Schuiling đã chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sự phê duyệt của Chính phủ Việt Nam đối với Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), quy hoạch tích hợp vùng đầu tiên tại Việt Nam. Tại ĐBSCL, Hà Lan đã đầu tư 50 triệu euro vào các dự án công và tư, và trong tương lai sẽ tiếp tục tăng cường các quỹ ứng phó với biến đổi khí hậu cho Việt Nam.
Thành công của Diễn đàn Kinh doanh ĐBSCL tại Cần Thơ vào đầu tháng 4 vừa qua đã chứng minh sự hiện diện mạnh mẽ của Hà Lan ở ĐBSCL và vai trò quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân trong quá trình chuyển đổi xanh. Do vậy, chính phủ hai nước cần hỗ trợ thiết lập và duy trì môi trường kinh doanh tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Thứ trưởng Hà Lan đề nghị được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật trong việc cải thiện hệ thống pháp luật về mua sắm công của Việt Nam. Thứ trưởng Schuiling cũng đề cập tới bản nghiên cứu về việc phát triển các trung tâm nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long và ngỏ ý sẵn sàng phối hợp với Việt Nam và Ngân hàng Thế giới để phát triển các trung tâm nông nghiệp này.