Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính hầu hết đều giảm trong tháng 8/2021 thì xuất khẩu cá ngừ sang Mexico lại bật tăng mạnh, tăng gần 263% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, sau khi sụt giảm liên tục trong quý I/2021 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này có xu hướng tăng trưởng liên tục ở mức cao từ tháng 4 trở lại đây. Tính luỹ kế 8 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt hơn 9,3 triệu USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, Mexico trở thành thị trường nhiều hứa hẹn cho cá ngừ Việt.
Theo VASEP, trong 8 tháng đầu năm nay, do lượng cá ngừ tồn kho tại các thị trường lớn như Mỹ và EU ở mức cao khiến cho nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường này giảm. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác như Mexico.
Mexico là thị trường với thu nhập bình quân đầu người cao thứ 2 tại khu vực Mỹ Latinh. Đây cũng là thị trường nằm trong khối CPTPP. Thương mại thuỷ sản giữa Việt Nam và Mexico đã có sức bật đáng kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Theo Hiệp định CPTPP, thuế xuất nhập khẩu các sản phẩm thịt/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam sẽ được giảm về 0% từ năm 2021. Bên cạnh đó, sản lượng đánh bắt cá ngừ của Mexico trong năm 2021 giảm do tác động của đại dịch COVID-19 và do sự suy giảm nguồn lợi khiến nước này phải tăng cường nhập khẩu thêm cá ngừ từ bên ngoài. Và điều này đang tạo ra sức hút cho Việt Nam đối với các nhà nhập khẩu cá ngừ Mexico.
Hiện giá xuất khẩu trung bình thịt/philê cá ngừ đông lạnh mã HS030487 sang thị trường Mexico dao động trung bình từ 6,6 – 7,1 USD/kg. Tính đến hết tháng 8 chỉ có 5 doanh nghiệp của Việt Nam đang xuất khẩu cá ngừ sang Mexico là Bidifisco, Hai Thanh Seafood, Dai Viet Seafood, Hong Phat Service Produce Co., Ltd, và Tithico.
Theo tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đưa tin, trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2021 của Bộ NN&PTNT diễn ra ngày 5/9, trả lời vấn đề có hay không nguy cơ EC phạt “thẻ đỏ” với thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết còn 15 ngày nữa là đúng 4 năm Việt Nam triển khai gỡ thẻ vàng của EC. Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Việc bị EC phạt “thẻ vàng”, thủy sản Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang EU. Theo thông tin mới nhất, EC sẽ không sang Việt Nam kiểm tra trực tiếp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngày 27/10 tới đây, EC sẽ làm việc trực tuyến với Tổng cục Thủy sản về vấn đề này.
Về cơ bản, thời gian qua, phía EC cũng đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng. Trước sự nỗ lực của Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, nguy cơ EC nâng từ thẻ vàng lên thành thẻ đỏ là ít xảy ra, theo đó nhiệm vụ của Việt Nam là cố gắng gỡ thẻ vàng trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh, huyện, xã hứa cam kết chấm dứt vi phạm tàu cá ở vùng biển trước ngoài trước 31/12/2021 “đây là tiêu chí quan trọng để phía EC gỡ thẻ vàng’, ông Hùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết nếu lời hứa này được các cấp cơ sở thực hiện tốt thì năm 2022, cùng với việc triển khai các giải pháp mà phía EC khuyến cáo, Việt Nam sẽ gỡ được thẻ vàng.
Minh Đức