Trong những ngày tới, dự kiến Tổng cục Thống kê phối hợp công bố quy mô dân số Việt Nam cán mốc 100 triệu người.
Với con số này, Việt Nam chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới; một trong 3 quốc gia trong khu vực Ðông Nam Á có quy mô dân số 100 triệu người. Đây là sự kiện ý nghĩa bởi Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực trẻ, thuộc cơ cấu dân số vàng – công cụ quan trọng nhất nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia đánh giá, với quy mô dân số 100 triệu người cùng với các lợi thế đến từ chính sách đầu tư phát triển phù hợp, môi trường chính trị ổn định, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội trở thành thị trường lớn trong khu vực, ngày càng có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế ở khu vực đã minh chứng, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… tận dụng cơ hội dân số vàng để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nhờ sở hữu nguồn lực lao động dồi dào, trong đó 70% người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn, Việt Nam đang có dư địa lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – đô thị hóa, góp phần nâng cao năng suất lao động, từ đó gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế lẫn thu nhập bình quân đầu người.
Nguồn lực lao động trẻ hiện nay còn có ưu điểm: năng động, thích ứng nhanh trong thời đại số, kỹ năng lao động, trình độ văn hoá cao được kỳ vọng mang lại sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp và tự chủ kinh doanh cho kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là thách thức khi Việt Nam còn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề. Ông Nguyễn Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, mỗi năm Việt Nam bổ sung hơn 1 triệu người lao động trẻ song do lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt ở mức 26% nên lực lượng trẻ tuy đông nhưng chất lượng chưa “vàng”, chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiều lao động tuy được đào tạo nhưng không đáp ứng được yêu cầu ngành nghề, dẫn đến năng suất lao động thấp. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp là những thách thức không nhỏ, nhất là không đáp ứng được yêu cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số. Nếu không chuẩn bị kỹ, đến lúc nào đó robot sẽ thay thế các lao động giản đơn, dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia chia sẻ: với sự phát triển nhanh của công nghệ cùng quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, dự báo trong tương lai không xa, một số ngành thâm dụng lao động ở nước ta đối mặt với tình trạng lao động không đáp ứng yêu cầu và bị thay thế bằng máy móc, công nghệ và robot.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 năm qua, năng suất lao động ở nước ta tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện năng suất làm việc của lao động VN chỉ bằng 11% của Singapore, 23% của Hàn Quốc, 24% của Nhật Bản…
Ông Nguyễn Sỹ Lợi nhấn mạnh: nguồn lao động có kỹ năng là tài sản quý giá nhất để thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, để tận dụng cơ hội khi Việt Nam đạt dân số 100 triệu người, Việt Nam cần có những chính sách, chiến lược đột phá phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chính sách thu hút đầu tư… Trong đó, tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho lao động chuyển từ “vàng” về số lượng sang “vàng” về chất lượng, chuyển hướng thu hút đầu tư FDI chất lượng cao có hàm lượng giá trị khoa học công nghệ lớn.
Hạnh Lê