Trong Báo cáo thường niên của JCER vừa được công bố, các chuyên gia kinh tế đã xem xét tác động của COVID-19 trên 15 nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2035.
Một nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2028 hoặc 2029, khi gã khổng lồ châu Á phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
Cụ thể, trong Báo cáo thường niên lần thứ sáu mang tên “Châu Á trong thảm họa COVID-19: Những quốc gia nào đang trỗi dậy?” của JCER về dự báo trung hạn – vừa được công bố ngày 10/12, các chuyên gia kinh tế đã xem xét tác động của COVID-19 trên 15 nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2035.
Điều này bao gồm hai kịch bản chính: Kịch bản “đường cơ sở” hoặc kịch bản tiêu chuẩn, trong đó các khủng hoảng được phân loại thành các sự kiện thoáng qua, và một kịch bản “trầm trọng hơn” tàn phá các xu hướng cấu trúc như toàn cầu hóa, đô thị hóa và đổi mới. Dù thế nào đi nữa, sự thành công nhanh chóng của Trung Quốc trong việc ngăn chặn COVID-19 dự kiến sẽ giúp nước này “vượt mặt” Mỹ vào cuối thập kỷ này.
“Do tác động của loại virus mới, nhiều quốc gia có thể sẽ phải chịu tỷ lệ tăng trưởng âm sâu vào năm 2020. Nhưng trong khi COVID-19 đã lây lan đến gần như mọi quốc gia trên toàn thế giới, thì không phải tất cả chúng đều bị ảnh hưởng ở mức độ như nhau“, báo cáo nêu rõ, “sự khác biệt được nhìn thấy hiện nay sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với quy mô kinh tế của các quốc gia trong 15 năm tới.”
Trong năm 2020, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan là duy trì tốc độ tăng trưởng dương hàng năm. Tỷ lệ này của Ấn Độ có khả năng âm hơn 10%, trong khi Philippines dự kiến sẽ giảm hơn 8%. Hồng Kông, Thái Lan, Canada, Malaysia và Singapore đều đang phải đối mặt với sự suy giảm tổng sản phẩm quốc nội hơn 6%.
Bất chấp sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây, do những thách thức về nhân khẩu học và đầu tư giảm, nền kinh tế của nước này vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 3% vào năm 2035. Tại Mỹ, nền kinh tế xứ cờ hoa được cho là sẽ giữ tốc độ tăng trưởng khoảng 1% trong Năm 2035.
Theo kịch bản tiêu chuẩn của các nhà kinh tế tại JCER, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2029. Và đến năm 2035, quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt 41,8 nghìn tỷ USD – chỉ kém một chút so với quy mô kết hợp của Mỹ và Nhật Bản vào thời điểm đó – ở mức 42,3 nghìn tỷ USD.
Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành một quốc gia có thu nhập cao sớm hơn vào năm 2023 và thu nhập bình quân đầu người của nước này sẽ đạt 28.000 USD vào năm 2035 – tương đương với con số của Đài Loan hiện nay.
Kịch bản cơ sở cũng vẽ ra một bức tranh tươi sáng cho Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào năm 2035, nhờ xuất khẩu mạnh. Điều này sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua Đài Loan vào năm 2035 về quy mô và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia. Việt Nam đã sẵn sàng để đạt được vị thế thu nhập trung bình cao hơn vào năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người đạt 11.000 USD vào năm 2035.
Mô hình dự báo của JCER dựa trên đầu vào lao động, đầu vào vốn và năng suất để dự báo GDP. Và năng suất chủ yếu được xác định bởi tỷ lệ đô thị hóa, chi tiêu cho R&D và mức độ mở cửa thương mại. Vì vậy, trung tâm nghiên cứu cũng đã biên soạn một kịch bản “trầm trọng hơn” có tính đến hậu quả nghiêm trọng hơn của COVID-19.
Cũng theo JCER, tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ, Việt Nam, Singapore cùng các quốc gia khác vào năm 2035 sẽ thấp hơn đáng kể so với kịch bản tiêu chuẩn, phần lớn là do tắc nghẽn thương mại. Nhưng trong khi Trung Quốc cũng sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái thương mại, điều này sẽ được bù đắp bằng sự gia tăng chi tiêu nghiên cứu. Do đó, Trung Quốc sẽ vẫn nổi lên ở một vị trí mạnh mẽ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng ở Nhật Bản và Úc sẽ tăng lên nhờ đầu tư vào R&D.
JCER cho biết: “Tất cả những yếu tố được xem xét, quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2028, sớm hơn một năm so với kịch bản tiêu chuẩn. Tính đến năm 2035, khoảng cách với Mỹ sẽ ngày càng mở rộng, đưa quy mô kinh tế của Trung Quốc bao gồm Hồng Kông lên 41,8 nghìn tỷ USD – nhiều hơn một chút so với 41,6 nghìn tỷ USD của Mỹ và Nhật Bản cộng lại.”
Trong trường hợp này, quy mô kinh tế của Ấn Độ sẽ không bắt kịp Nhật Bản kể cả vào năm 2035, vì Nhật Bản sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với kịch bản tiêu chuẩn. Quy mô kinh tế của Việt Nam vào năm 2035 sẽ vẫn nhỏ hơn Đài Loan.
Trên thực tế, thời gian qua Việt Nam đã có bước chuyển dịch khá nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp. Song, sự dịch chuyển này chưa tỷ lệ thuận với chất lượng, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistic tương đối cao. Ngoài ra, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt, kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hàm lượng nội địa không tăng tương ứng và vẫn còn khoảng cách với các nước trong khu vực.
Muốn khắc phục điểm yếu trên, theo TS. Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào ba vấn đề cốt lõi là nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy gia tăng các động lực tăng trưởng mới; tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế, các xu thế phát triển khoa học công nghệ và Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Đồng thời, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường; thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực tư nhân; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến chế tạo theo chiều sâu và tận dụng tối đa các lợi ích để bắt kịp xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0.
An Chi