Hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca trên thế giới ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2025, thị trường cần khoảng 220.000 tấn nhân, tương đương 850.000 tấn hạt tươi. Do đó, dư địa mở rộng thị phần xuất khẩu mắc ca Việt Nam tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Đức còn lớn.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay, cả nước đã có 29 tỉnh trồng cây mắc-ca, với tổng diện tích khoảng 19.000 ha, tập trung chủ yếu tại hai khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc, trong đó có hơn 30% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng ước đạt hơn 8.800 tấn/năm…
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc hiện có tới hơn 2,7 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó 1,7 triệu ha đất có rừng và còn khoảng một triệu ha đất chưa có rừng hoặc rừng nghèo kiệt. Đây là một dư địa lớn để phát triển cây mắc ca, đáp ứng hiệu quả mục tiêu của đề án “Phát triển bền vững mắc-ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện mục tiêu kép trồng mắc ca tập trung xen lẫn với cây rừng, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường bền vững và hưởng ứng kế hoạch trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đang tích cực triển khai phát triển cây trồng mắc ca theo quy hoạch, định hướng phù hợp.
Hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca trên thế giới ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2025, thị trường cần khoảng 220.000 tấn nhân, tương đương 850.000 tấn hạt tươi. Dư địa mở rộng thị phần xuất khẩu của mắc ca tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Đức còn lớn.
Tuy nhiên, ngành sản xuất mắc ca của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như công tác chế biến hiện còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, thiếu sự đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mắc ca.
Liên quan đến hạt mắc ca, tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào tháng 7 vừa qua, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, mắc ca tại nước ta có sự sinh trưởng tốt, năng suất cao và đây là cây tiềm năng, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế. Đặc biệt là góp phần trong việc xóa đói, giảm nghèo ở những khu vực vùng cao, vùng biên giới, vùng ít người.
Mắc ca có nguồn gốc từ rừng nhưng khi trồng với mục đích kinh tế thì cần tuân thủ các quy trình về nông nghiệp. Theo đó, cần trồng ở những nơi có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp và đặc biệt giống mắc ca phải đạt tiêu chuẩn và mỗi vườn nên trồng 2-3 loại giống để có sự phát triển phù hợp.
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách để phát triển mắc ca bền vững. Nâng cao năng lực sản xuất giống, nghiên cứu giống để đưa ra các giống phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp quy trình và phong tục canh tác của từng vùng. Hiệp hội này cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT thành lập các viện nghiên cứu chuyên sâu về mắc ca, nghiên cứu về các vấn đề sâu hại, dịch bệnh trên cây này để có phương án canh tác hiệu quả. Cùng với đó là xây dựng và bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng dịch vụ phụ trợ như phân bón, xây dựng các nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường.
Để phát triển thị trường tiêu thụ mắc ca, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm, nhân, hạt mắc ca nguyên vỏ và các sản phẩm mắc ca chế biến sâu.
Trong các thị trường tiềm năng xuất khẩu mặt hàng mắc ca thì EU được dự báo sẽ có nhiều tiềm năng và sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trong đó Hà Lan đã và đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng.
Phương Anh