Việt Nam đã và đang tiếp tục được xem là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia về sản xuất và lắp ráp để cung ứng cho toàn cầu…
Đây là một tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế giai đoạn thích ứng COVID-19 và phục hồi, phát triển; cũng như vô cùng tốt nếu chúng ta tiếp tục kiên định chiến lược công xưởng của toàn cầu.
Những tín hiệu sáng 2022
Ngay đầu năm 2022, hàng loạt các dự án đầu tư lớn đã tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam. Tiếp sau mảnh ghép đầu tư tỷ đô của nhà sản xuất Lego danh tiếng vào Việt Nam cuối năm trước, một dự án từ 10 đến 12 tỷ USD đang được kỳ vọng là cú hích lớn cho ngành dược của Việt Nam nói riêng và của vị trí Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung tại Hải Dương.
Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa và có cơ sở khả thi khi: Thứ nhất, Dược y tế Việt Nam đang là ngành được hàng loạt tập đoàn đa quốc gia tham gia rót vốn đầu tư, nhất là qua con đường M&A; Thứ hai, Dược y tế đang được tái định vị vị thế mới trong đại dịch COVID-19 và quốc gia nào có lợi thế, chủ động được ngành sản xuất này với công nghệ cao, sẽ có vai trò chủ động đối với sức khỏe y tế cộng đồng toàn cầu.
Một quyết định mới cũng cho thấy cam kết gắn bó và tiếp tục đưa Việt Nam lên công xưởng thế giới, là Samsung vừa rót thêm gần 1 tỷ đô cho Thái Nguyên, nâng vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro – Mechanics tại Thái Nguyên lên 2,27 tỉ USD. Từ năm ngoái, nhiều dự án hoặc kế hoạch đầu tư có ý nghĩa dài hạn với Việt Nam cũng đã, đang tiến hành, như dự án đầu tư hơn 110 triệu USD để sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện tử phục vụ ngành bán dẫn và công nghệ điện tử tại Đà Nẵng; đề xuất tham gia xây dựng tuyến đường sắt cao tốc của Tập đoàn Hitachi Nhật Bản…
Điều này khắc họa thêm sức hấp dẫn của Việt Nam, tạo thuận lợi cho thu hút FDI hơn nữa trong giai đoạn mới. Đồng thời cũng đặt ra bài toán đối với phía Việt Nam và các địa phương về thu hút vốn đầu tư bền vững, sự cân bằng và “giảm” lệ thuộc đòn bẩy vào một vài nhà đầu tư duy nhất… ra sao.
Đa dạng hóa hơn nữa dòng vốn đầu tư
Với vị trí chiến lược và lợi thế về vận chuyển, lao động cạnh tranh và chi phí sản xuất, trong hơn 2 thập kỷ thu hút đầu tư FDI, Việt Nam đã ngày càng làm được nhiều điều.
Ở giai đoạn hiện nay, khi các nền kinh tế trên thế giới đang tăng tốc phục hồi, tái lập và tái cấu trúc lại vị trí đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát huy các lợi thế kể trên cộng hưởng cùng môi trường kinh doanh thuận lợi, bối cảnh xã hội và y tế, chính trị ổn định… khiến Việt Nam càng trở thành điểm đến sáng giá.
Trang Vietnam Briefing Asia cho rằng Việt Nam có lợi thế nổi bật so với các nước Đông Nam Á về tuyến vận chuyển hàng hóa có sự kết nối rộng.
Tuy nhiên, ngoài những ưu đãi về nhân công, về chi phí xây dựng và đất đai cùng các giá trị xã hội, giao thông và logistic thực tế lại cũng đang là yếu điểm của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi cung ứng có phần nghẽn mạch và doanh nghiệp chịu nhiều chi phí trực tiếp lẫn chi phí cơ hội tăng cao vì sự hạn chế của chủ động kết nối giao thông, logistic. Chiến lược tăng tốc đầu tư công của Chính phủ năm 2022, đặc biệt là các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, hàng loạt dự án trọng điểm khác đang được thúc đẩy tạo kỳ vọng lớn không chỉ cho hệ số ICOR của Việt Nam, còn đặt cơ sở tăng lực hút cho vốn FDI cùng các kỳ vọng của nhà đầu tư toàn cầu.
Nếu chỉ là một trung tâm xuất khẩu sản xuất giá rẻ, giá trị của Việt Nam có được nâng cao? Nếu chỉ là một công xưởng nhỏ của toàn cầu bên cạnh công xưởng lớn Trung Quốc vẫn chưa mất đi vai trò, chúng ta có thể nâng tầm kinh tế thịnh vượng? Một chiến lược công xưởng lớn, với cơ hội đang được mở ra từ những nhà đầu tư lớn, dự án lớn, giá trị ngày càng cao, đòi hỏi chúng ta đầu tư mạnh mẽ để làm lành mạnh hóa và khắc phục những điểm yếu, phát huy hơn nữa những lợi thế, đi trước để thực sự nắm bắt thời cơ dịch chuyển vị thế.
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Do đó, để đảm bảo thu hút FDI bền vững từ nay đến 2025, cần nghiên cứu chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI đã bị ảnh hưởng, cũng như xem xét những chính sách ưu đãi phù hợp doanh nghiệp FDI thuộc diện không ưu tiên để đảm bảo sự công bằng và đồng hành của Chính phủ Việt Nam cùng mọi khối doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Cuối cùng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 nếu làm đúng, trúng, hiệu quả, sắc giúp Việt Nam tăng tốc nắm bắt thời cơ, và chúng ta có thể thu hút đa dạng dòng vốn đầu tư, làm được nhiều hơn nữa.
TS. Nguyễn hoàng Hiệp