Theo thống kê của Bộ NN &PTNT, hiện cả nước có 1.702 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được kiểm soát với sự tham gia của một số tập đoàn lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 3 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát đạt yêu cầu an toàn thực phẩm đạt 97,5%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 99,6% (tăng 4,9%). Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 89% (tăng 14%).
Trước đó để phát triển các chuỗi cung ứng an toàn, Bộ NN&PTNT đã chủ động trong xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại các thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Bộ cũng tổ chức diễn đàn/ hội nghị thúc đẩy giao thương nông lâm thủy sản Việt-Trung; tiếp tục xử lý các vướng mắc liên quan đến đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc…
Bộ NNN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành hướng dẫn các địa phương tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; xây dựng các chuỗi cung ứng ngành hàng, chuỗi giá trị nông lâm thủy sản tại địa phương từ vùng nguyên liệu, nhà máy, chợ/trung tâm thương mại, xuất khẩu.
Các đơn vị của Bộ tiếp tục thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam và tăng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.
Ngành cũng chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiệm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm; đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế.
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, nhu cầu cao,… để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, các tiêu chuẩn ngày càng khó hơn, nhất là có những quy định, điều chỉnh rất bất ngờ đối thủy sản nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp Việt phải có những thay đổi về quan điểm, tâm thế, tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, xây dựng chiến lược chi tiết tới từng phân khúc địa phương nếu muốn tăng tỷ trọng vào thị trường này.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến nghị, trên bất kỳ thị trường nào thì nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu. Do vậy, điều cần làm ngay với sản xuất nông nghiệp trong nước là thực hiện tập trung sản xuất, nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Một trong những yêu cầu bắt buộc là truy xuất nguồn gốc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mã vùng trồng, ao nuôi, cơ sở chế biến, đóng gói phải được xác nhận. Liên kết hình thành vùng trồng, đảm bảo mã số vùng trồng đủ lớn và sản phẩm cung cấp ổn định cho thị trường cả về chất lượng và sản lượng. Quy trình Global GAP, VietGAP triển khai chặt chẽ từ con giống, cây giống. Mở rộng quan hệ thương mại song phương, hướng tới xuất khẩu chính ngạch, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Làm được điều này, nông sản Việt mới có cơ hội giữ vững chỗ đứng và thị phần, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu cũng như ngay trên sân nhà.
Minh Anh