Theo Tổng cục Hải quan, kết quả trên, Việt Nam đang ngày càng mở cửa thị trường rộng hơn. Người tiêu dùng Việt chắc chắn hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh này còn các nhà sản xuất trong nước cũng phải cạnh tranh sòng phẳng ngay trên sân nhà.
Hiện trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 2022 thì có đến 8 thị trường ghi nhận mức tăng trường mạnh. Cụ thể, Việt Nam chi 122 triệu USD nhập rau quả từ New Zealand, 150 triệu USD nhập từ Australia hay 60 triệu USD nhập từ Nam Phi. Đây đều là những thị trường nhập khẩu có mức tăng mạnh từ 30 đến gần 70% so với năm ngoái. Nếu so vào bảng giá ở siêu thị, trái cây ngoại nhập từ các nước này cũng đang có mức giá cạnh tranh rất tốt với hàng Việt Nam.
Với kết quả trên, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, xu hướng tăng trưởng mạnh của rau quả nhập khẩu đang phản ánh đúng tính chất “mở” của thị trường nội địa. Dựa trên những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài cũng thuận lợi đi vào nước ta với thuế nhập khẩu bằng 0%.
Tính đến hết năm nay, Việt Nam thu về hơn 3,3 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả nhưng ở chiều ngược lại. Việt Nam cũng chi gần 2 tỷ để nhập khẩu. Từ thực tế này có thể thấy, sức ép rau quả nhập khẩu cũng khiến nông nghiệp Việt Nam phải tăng chất lượng để cạnh tranh tốt hơn nữa tại thị trường nội địa.
Đối tác lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam là Trung Quốc, ở chiều xuất khẩu (11 tháng) đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2021, thị phần giảm từ 54% xuống còn 45% trong năm nay. Trong khi đó, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt 765 triệu USD, tăng 83% và thị phần tăng từ 31% lên gần 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Các loại rau quả Trung Quốc được tiêu thụ mạnh ở thị trường Việt Nam gồm táo, nho, cam, quýt, tỏi, đậu xanh, hành tây, hành củ, nấm kim châm, khoai tây, nấm đùi gà, cải thảo, cải bắp… Bên cạnh đó là nhóm sản phẩm chế biến như: khoai tây chiên, rong biển, bột ớt, hạt dẻ cười tẩm ướp, hạt hướng dương…
Thanh Mai