Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn 5 năm là một nhiệm vụ thường kỳ và quan trọng của Chính phủ. Những kế hoạch phát triển kinh tế xã hội này trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2030 để phấn đấu, nước ta trở thành 1 nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành 1 nước công nghiệp phát triển hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng trên cơ sở một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có khả năng chịu đựng những tác động bên trong và bên ngoài gây ra.

Trước hết, về cơ bản tôi nhất trí hoàn toàn với những mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 5 năm tới, với mức tăng trưởng bình quân của GDP là 7%/năm. Cả nước thực hiện những định hướng lớn. Cụ thể, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát triển nhanh và bền vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế số nhằm nâng cao năng suất , chất lượng và hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng theo quy hoạch, tăng cường liên kết vùng với các mô hình kinh tế xanh.

Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, các loại hình vận chuyển phục vụ cho nền kinh tế, phát triển đô thị bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, phát triển kinh tế tập thể và tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong các lĩnh vực ,đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 và công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong tương lai.

Qua những mục tiêu phấn đấu và những định hướng cơ bản cho sự phát triển của 5 năm tới, tôi có một số ý kiến như sau.

Chỉ tiêu tăng trưởng bình quân 7% GDP trong giai đoạn 5 năm tới thực sự là một chỉ tiêu khá cao, bởi nền kinh tế phát triển trong điều kiện quy mô của nền kinh tế Việt Nam đã lớn hơn nhiều lần so với 10 năm trước đây. Vì vậy việc tăng thêm 1% GDP sẽ khó khăn hơn những giai đoạn trước rất nhiều.

Mặt khác, ngay trong năm 2021, đi đôi với phát triển kinh tế, Việt Nam phải tiếp tục giải quyết những hậu quả của thiên tai, dịch bệnh mà năm 2020 để lại. Ngoài ra, sự phát triển còn phải đối mặt với những khó khăn khác như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, những biến động địa chính trị, kinh tế trên thế giới với xu hướng bảo hộ, cạnh tranh ngày càng gay gắt, phức tạp.

Muốn đạt được những chỉ tiêu trong 5 năm tới, đòi hỏi kinh tế Việt Nam phải đi lên từ kinh tế trí thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng trưởng trên cơ sở một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có khả năng chịu đựng những tác động bên trong và bên ngoài gây ra. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn tăng trưởng chủ yếu do khai thác tài nguyên và do yếu tố vốn là chủ yếu.

Chính vì vậy, phải tiếp tục chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá về thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho sự phát triển. Phát triển kinh tế phải đi cùng với an sinh xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng từ sự tăng trưởng GDP hàng năm. Không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong giai đoạn 5 năm tới cần chú trọng vấn đề đâu là trọng tâm của việc đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Không cách nào khác, đất nước phải đầu tư cho khởi nghiệp, công nghệ nguồn, công nghệ cao để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công nghiệp hóa, trước hết theo tôi là phải công nghiệp hóa nông nghiệp, kinh tế biển là những ngành kinh tế mà Việt Nam có lợi thế, đồng thời kết hợp kinh tế với quốc phòng, bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ quốc.

Trong phát triển kinh tế – xã hội các thời kỳ, cần phải đặc biệt chú ý, đi cùng với quản lý chặt chẽ là chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực gây thất thoát nguồn lực của nhà nước và nhân dân. Khuyến khích những tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nhà nước, đồng thời nghiêm trị những tổ chức cá nhân vi phạm.

Bài học chống tham nhũng trong một vài năm gần đây do Đảng ta khởi xướng vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 và những năm tiếp theo.

Dân tộc ta, nhân dân ta có truyền thống yêu nước, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn trong việc bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Những chính sách của nhà nước cần phải đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng của mọi người dân và các doanh nghiệp. Từ đó khơi dậy ý chí quật cường và óc sáng tạo trong từng vị trí công tác của mình, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh và vững chắc.