GDP

Tính lại GDP cho gần thực tế hơn sẽ giúp chính phủ xây dựng các chính sách, các chiến lược kinh tế phù hợp hơn, giúp các tổ chức quốc tế so sánh các quốc gia đúng hơn, giúp các nhà đầu tư quốc tế thuận lợi hơn trong các quyết định đầu tư, thương mại.

Mặc dù tháng 4/2020 Việt Nam đã công bố kết quả tính lại GDP với mức điều chỉnh tăng 25,4%, nhưng theo IMF đợt điều chỉnh ấy Việt Nam mới chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế theo qui định của Việt Nam, chưa hề tính đến các hoạt động kinh tế không được quan sát.

IMF cho rằng việc loại trừ các hoạt động kinh tế không được quan sát dẫn đến tính thiếu qui mô của nền kinh tế, làm sai lệch tốc độ tăng trưởng GDP, gây trở ngại cho việc so sánh quốc tế về qui mô của nền kinh tế, về GDP và GDP đầu người. IMF cho rằng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành dịch vụ và thành tố phi chính thức của ngành này khiến cho các cơ quan thống kê gặp nhiều thách thức trong công tác đo lường, thống kê. IMF cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thống kê GDP quốc gia toàn diện một lần nữa.

Một cuộc tổng điều tra kinh tế được thực hiện trong năm 2021, sẽ bao trùm các hoạt động kinh tế phi chính thức, ngành kinh tế dịch vụ và các hoạt động kinh tế tăng trưởng nhờ nền tảng số. Đồng thời, IMF sẽ hướng dẫn GSO áp dụng một hệ thống thống kê mới (hệ thống bảng SUT & IO 2020).

Thực ra việc tính lại GDP chỉ là mới và lạ với Việt Nam mà thôi, thông lệ quốc tế việc tính lại GDP được thực hiện 5 năm 1 lần và các quốc gia khác vẫn thực hiện theo thông lệ tính lại GDP 5 năm một lần ấy. Việc không tính lại GDP thường xuyên chính là lý do mà GDP Việt Nam được điều chỉnh lên đến 25,4% (đợt 04/2020).

GDPtinhlai

 

Với cá nhân tôi, cảm nhận Việt Nam tính thiếu GDP có từ 10-12 năm trước chứ không phải khi IMF và GSO nói Việt Nam tính thiếu GDP (thời điểm tôi sang các nước Nam Á, ĐNA, Châu Phi tham dự đấu thầu quốc tế và phát triển kinh doanh). Khi tôi sang Bangdalesh, quan sát thủ đô Dhaka và vùng phụ cận, quan sát giao thông, hạ tầng, đường phố, nhà cửa, mức sống… tôi không thể nào tin rằng về GDP đầu người công bố thì chỉ cỡ 3-5 năm sau là Bangdalesh bằng Việt Nam (Về xe Bus đô thị, đường sắt tôi cảm giác cách Việt Nam chúng ta cỡ 20 năm, chỉ như Việt Nam những năm 1990 mà thôi).

Khi tôi sang Lào, quan sát toàn diện thủ đô Vientiane, cảm tưởng của tôi về kinh tế Vientiane còn thua Hải Phòng, không thể so sánh với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Thế nên tôi không thể nào tin rằng GDP đầu người của Lào cao hơn Việt Nam như đã công bố. Cảm giác tương tự khi tôi đến Ai Cập, Philippines.

Tôi rất khó tin rằng GDP đầu người của Việt Nam lại thấp hơn họ đến 20%-25%. Nếu ai đã đi nước ngoài nhiều thì cảm nhận rất rõ với các nước tiên tiến thì hầu hết các hoạt động thương mại, mua bán đều có hoá đơn, chứng từ, đều trong hệ thống máy tính in ra. Điều đó có nghĩa rằng việc này nằm trong hệ thống mà chính phủ có thể quan sát được, còn ở Việt Nam tỷ lệ các hoạt động kinh tế không hoá đơn, chứng từ, nằm ngoài sổ sách và giá trên hợp đồng, trên hoá đơn thấp hơn nhiều giá mua bán thật là không ít.

Điều đó thể hiện rất rõ rằng: Việt Nam tính thiếu GDP, mà thiếu nhiều chứ không ít. Có bạn đã nói với tôi: “tính lại để làm gì, dù có cao thêm 25,4% cuộc sống của tôi, của người dân Việt Nam vẫn thế, có tăng thêm xu nào đâu”. Không hẳn vậy, tính lại GDP cho gần thực tế hơn sẽ giúp chính phủ xây dựng các chính sách, các chiến lược kinh tế phù hợp hơn, giúp các tổ chức quốc tế so sánh các quốc gia đúng hơn, giúp các nhà đầu tư quốc tế thuận lợi hơn trong các quyết định đầu tư, thương mại.

Với tôi, điểm quan trọng nhất của tính lại GDP là để chúng ta hiểu đất nước mình, dân tộc mình đúng hơn, bớt đi những tư ti, mặc cảm không đáng có, vững tin hơn trong các chặng đường tiếp theo.