Chuyển tới nội dung

Việt Nam cần đẩy mạnh nguồn vốn cho thị trường tài chính xanh

Trước bối cảnh nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh ngày càng lớn, việc đi tìm một nguồn tài chính bền vững đang ngày càng cấp thiết. Với yêu cầu này, các cơ chế, chính sách cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang được dần hoàn thiện với từng loại công cụ như trái phiếu xanh – xã hội – bền vững (GSS), cổ phiếu xanh, thị trường Carbon cũng như tín dụng xanh.

Hiện nay, tài chính xanh đang là một xu hướng lớn trên toàn thế giới với sự tham gia vào cuộc của các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ của các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó khi đang thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và chứng kiến thị trường tài chính xanh phát triển nhanh hơn trong thời gian gần đây.

Đẩy mạnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; giảm phát thải khí methane vào năm 2030 và mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử này sẽ mang tính bước ngoặt của Việt Nam. Trong đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một trong những giải pháp là cần tập trung nguồn lực vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội vào năm 2045.

Theo đó, tăng trưởng xanh trong giai đoạn mới sẽ là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ cân đối các nguồn lực trong nước và huy động nguồn lực quốc tế hiệu quả, cung cấp một giải pháp hỗ trợ liên ngành trong triển khai thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ở các cấp có sự gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Theo bà Trần Thúy Ngọc, lãnh đạo phụ trách dịch vụ Quản trị Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững, Deloitte Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp cũng đang nhận thấy tác động của biến đổi khí hậu tới doanh nghiệp của họ. Các doanh nghiệp có thể ở những mức độ thách thức và có những mối quan ngại khác nhau trên hành trình chống biến đổi khí hậu, nhưng tất cả đều cần nhanh chóng chuyển từ giai đoạn từ nhận thức – “tại sao” sang hành động – “làm thế nào”.

Trước những thông tin trên, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa dự báo, nhu cầu đầu tư vào các giải pháp thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu của Việt Nam từ nay đến 2040 có giá trị khoảng 368 tỷ USD. Riêng trong lĩnh vực điện, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, nguồn tài chính để có thêm khoảng 20GW năng lượng tái tạo so với năm 2020 sẽ là khoảng 15-16 tỷ USD mỗi năm tới năm 2030. Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định đưa ra ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 69 tỷ USD cho các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết môi trường của Việt Nam.

Việt Nam cần chú trọng nguồn tài chính bền vững

Trước bối cảnh nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh ngày càng lớn, việc đi tìm một nguồn tài chính bền vững đang ngày càng cấp thiết. Với yêu cầu này, các cơ chế, chính sách cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang được dần hoàn thiện với từng loại công cụ như trái phiếu xanh – xã hội – bền vững (GSS), cổ phiếu xanh, thị trường Carbon cũng như tín dụng xanh.

Môi trường pháp lý hiện nay đang tương đối mở với các sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc triển khai tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết hơn.

Việt Nam cần đẩy mạnh nguồn vốn cho thị trường tài chính xanh.

Liên quan đến tài chính xanh, TS. Vũ Nhữ Thăng – Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tài chính xanh đã và sẽ là một nội dung hay trong bối cảnh chung của thị trường tài chính, đặc biệt việc này đặt trong lộ trình của Việt Nam khi thực hiện các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi hiệu quả cần phải được hướng dẫn rõ và cụ thể hơn nữa trong các quy định pháp luật.

Cũng theo ông Thăng, trong vấn đề tài chính xanh, yếu tố về chi phí huy động vốn là rất quan trọng, và với quan điểm này, ông Thăng đặt vấn đề cần phải xem xét lại các quy định hiện có về các lĩnh vực ưu tiên về vốn: Ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay có thể thêm một lĩnh vực có yếu tố “xanh”, đồng thời nguồn hỗ trợ lãi suất cũng có thể trích ngay từ thuế bảo vệ môi trường.

Để thúc đẩy cung và cầu thị trường đối với tài chính xanh, TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, trước mắt cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về chủ trương, chính sách, trách nhiệm môi trường, xã hội của doanh nghiệp, giới thiệu các sản phẩm tài chính xanh tới công chúng đầu tư… Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, công chúng đầu tư sẽ tạo một nền tảng bền vững cho phát triển các công cụ tài chính xanh.

Đồng thời cần xây dựng năng lực cho các thành viên thị trường. Trong đó quan trọng là các doanh nghiệp tư vấn trong nước có thể cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập đối với các dự án xanh sử dụng nguồn thu từ cổ phiếu xanh hay trái phiếu xanh.

Các nhóm giải pháp phát triển tài chính xanh

Để phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, các nhóm giải pháp chính được một số chuyên gia khuyến nghị như: Đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh. Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh để các chủ thể nhất quán áp dụng.

Với thị trường tín chỉ carbon, cần phát triển, hoàn thiện Sàn giao dịch tín chỉ carbon, các sản phẩm giao dịch (tín chỉ carbon bắt buộc/tự nguyện quốc tế, tín chỉ carbon nội địa tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam), thành viên thị trường và môi giới giao dịch, đối tượng giao dịch… Phát triển hạ tầng công nghệ, dữ liệu, thị trường thứ cấp và kể cả phái sinh cho những sản phẩm xanh này về lâu dài. Tăng cường truyền thông, phổ cập, hướng dẫn bằng nhiều hình thức khác nhau, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hành động.

Như vậy, để khuyến khích các nhà đầu tư lớn tham gia thị trường tài chính xanh, yếu tố then chốt là minh bạch thông tin liên quan tới hoạt động đầu tư xanh của các doanh nghiệp. Việt Nam cần từng bước đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tiến tới cấu trúc cơ sở nhà đầu tư với sức cầu ổn định, chuyên nghiệp cùng chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội.

Xuân Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved