Chuyển tới nội dung

Việt Nam – Bước chuyển mình vững chắc trong hội nhập quốc tế

Cùng với việc chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 11/01/2007; việc chủ động tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới suốt thời gian vừa qua của Việt Nam đã đánh dấu giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; tạo ra những động lực to lớn cho sự phát triển về kinh tế, xã hội …

Những thành tựu to lớn

Thống kê cho thấy, đến nay Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực và hiện đang đàm phán 3 FTA. Cùng với chính thức trở thành thành viên của WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350% .

Nếu trước khi gia nhập WTO năm 2006, quy mô kinh tế của đất nước còn khá khiêm tốn, Việt Nam nằm trong nhóm nước thu nhập thấp; thì năm 2016 khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các FTA mới, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình thấp, là một trong 32 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 100 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng đứng hàng đầu thế giới; Việt Nam cũng là nước thu hút FDI ổn định nhất trong ASEAN.

vi-the-viet-nam-4-221351

Nhờ đường lối, chính sách hội nhập đúng đắn, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Theo thống kê, thời gian qua, Việt Nam đã thu hút khoảng hơn 30.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 360 tỷ USD. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm “điểm đến” đầu tư, như: Intel, Microsoft, Samsung, LG, Nokia, Canon, Mitsubishi, Toyota, Honda…

Thời gian gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 7%/năm. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người cũng không ngừng được cải thiện đáng kể, tăng từ 730 USD (năm 2006) lên 2.750 USD (năm 2020). Cơ cấu kinh tế của nước ta đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Với việc mở rộng thị trường đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất, nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất nhập khẩu, thậm chí là xuất siêu.

Nếu như năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 111,3 tỷ USD (trong đó xuất khẩu là 48,5 tỷ USD và nhập khẩu là 62,7 tỷ USD), thì tới năm 2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 3 lần đạt 328 tỷ USD (trong đó nhập khẩu là 165,6 tỷ USD và xuất khẩu là 162,4 tỷ USD).  Đến năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập đạt 480,17 tỷ USD, lập kỉ lục về kim ngạch xuất nhập khẩu. Cán cân thương mại của Việt Nam năm 2018 đạt thặng dư 6,8 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần mức thặng dự năm 2017 (trong đó xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, nhập khẩu đạt 236,69 tỷ USD, tăng 11,1%). Đặc biệt, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6; cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

xuat nhap khau

Việt Nam đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu

Một thành tựu đáng ghi nhận, đó là với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã được hơn 70 đối tác công nhận là nền kinh tế thị trường, nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Mỹ…

Thách thức và cơ hội

Việc trở thành thành viên của WTO và tham gia FTA trong thời gian qua đã khắc phục được tình trạng bị phân biệt đối xử trong buôn bán quốc tế; tạo điều kiện mở rộng thị phần quốc tế cho các sản phẩm Việt Nam và thúc đẩy thương mại phát triển.

Bên cạnh việc mở rộng xuất khẩu hàng hóa trong nước, Việt Nam đã tận dụng được cơ hội từ nhập khẩu như lựa chọn nhập các loại hàng hóa có kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến để nhanh chóng phát triển các ngành có công nghệ cao, ngành mũi nhọn, nhanh chóng đuổi kịp các nước phát triển trên thế giới. Việt Nam sẽ có lợi từ việc cải thiện hệ thống giải quyết tranh chấp khi có quan hệ với các cường quốc thương mại chính. Việc tham gia WTO đã và đang tạo điều kiện để Việt Nam cải thiện vị trí của mình trong các cuộc đàm phán thương mại, có điều kiện tiếp cận các quy tắc công bằng và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp thương mại.

Việt Nam cũng đã có điều kiện thu hút vốn, kinh nghiệm quản lý và công nghệ mới… của nước ngoài. Nâng cao khả năng cạnh tranh và tính hiệu quả trong nền kinh tế, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam…

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc tham gia các FTA nói riêng, nhất là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA cũng kèm theo không ít rủi ro, thách thức cho Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: về khía cạnh kinh tế, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém. Mặt khác, cạnh tranh cũng mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Quan trọng hơn cả, có thể nhìn nhận đây là con đường mà sớm muộn chúng ta cũng phải trải qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương: Việt Nam có thể sẽ cần điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ,… cho phù hợp với các cam kết quốc tế. Ngoài ra, các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Tuy nhiên, đây cũng là những tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng đến để xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thật sự của dân, do dân và vì dân, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, kỷ luật, kỷ cương.

 

Lâm Tới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved