minhphu_1

Những thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức  đều đang gia tăng nhập khẩu tôm.

Xuất khẩu tôm trong tháng 6 đạt khoảng 402 triệu USD, tăng 15%, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tôm chân trắng chiếm 76% với trên 1,3 tỷ USD, tăng 23%; tôm sú chiếm 15%, đạt 257 triệu USD, giảm 10%; tôm biển các loại chiếm 9% đạt 154 triệu USD, giảm 16%.

Những thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức  đều đang gia tăng nhập khẩu tôm, do vậy xuất khẩu sang những nước này tăng trưởng tốt. Xuất khẩu tôm sang Mỹ đang có đà tăng trưởng hàng tháng 45-46%. Đây đồng thời là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam. Tại Mỹ, tôm Việt Nam đứng sau Ấn Độ, Indonesia và Ecuador.

Tuy nhiên, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ, trị giá gần 119 triệu USD, có hiệu lực từ ngày 29/11/2021 theo điều 301 thuộc Luật Thương mại 1974.

Tại Trung Quốc, tôm Ecuador và Ấn Độ cũng chiếm trọng số cao (khoảng 55% và 25%). Năm 2021, nhập khẩu tôm từ 2 nước này và các nước châu Á khác vào Trung Quốc bị giảm do quy định kiểm tra gắt gao hàng thuỷ sản đông lạnh nhập khẩu tại các cảng nhập khẩu.

Do vậy, các nhà xuất khẩu tôm này đều chuyển hướng tập trung vào thị trường Mỹ cho phân khúc tôm đông lạnh và có kế hoạch sản xuất tôm chế biến phục vụ thị trường EU và các thị trường khác.

Trừ thị trường Mỹ và Trung Quốc, tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại hầu hết thị trường với kim ngạch nổi trội hơn so với các nước khác.

xuatkhausangEU

các nhà xuất khẩu tôm này đều chuyển hướng tập trung vào thị trường Mỹ cho phân khúc tôm đông lạnh và có kế hoạch sản xuất tôm chế biến phục vụ thị trường EU và các thị trường khác.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định nhìn chung, từ đầu năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn, trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác giảm do chịu tác động bởi dịch COVID-19 là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu tôm của Việt Nam. Dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam trong nửa cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng trường khả quan, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU.

Người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa chuộng sản phẩm tôm chế biến và giá trị gia tăng và xu hướng tăng nhập khẩu tôm của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì và có thể vượt mức 1 triệu tấn vào năm 2027.

Hiện nay, việc triển khai tiêm vắc xin cho người dân Mỹ đang diễn ra nhanh chóng, nhu cầu nhập khẩu tôm của nước này trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ tăng mạnh. Đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khi ngành sản xuất tôm Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn do COVID-19.

Với thị trường EU, nhu cầu tiêu thụ tôm dự báo sẽ tăng mạnh khi dịch vụ ăn uống ngoài gia đình được phép mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA khiến tôm Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với tôm của Ấn Độ, Thái Lan… Do đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Tuy có nhiều thuận lợi song xuất khẩu tôm cũng sẽ gặp những khó khăn chung. Bất ổn trong ngành vận tải biển toàn cầu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ vẫn tiếp tục là vấn đề gây khó khăn đối với ngành thủy sản. Nhu cầu đối với vận tải biển tăng mạnh, sự chậm trễ tại các cảng và thiếu trang thiết bị đang tiếp tục đẩy giá container lên những mức cao kỷ lục mới, với cước vận tải container tăng lên mức cao mới tại cả 3 tuyến thương mại đông – tây chính.

Linh Nga