Theo WHO, tên này được chọn vì virus mới có sự tương đồng về gien với virus Corona gây ra dịch SARS năm 2003. Dù liên quan, hai virus này là khác nhau.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đặt tên chính thức cho virus Corona mới gây bệnh COVID-19 là SARS-CoV-2.
Theo giải thích của WHO, virus và các bệnh do virus gây ra thường có tên khác nhau, ví như HIV là virus gây ra bệnh AIDS.
Theo WHO, có nhiều quy trình khác nhau và mục đích để đặt tên cho virus và bệnh.
Virus được đặt tên dựa trên cấu trúc gien của chúng để tạo điều kiện phát triển các xét nghiệm chẩn đoán, vắc xin và thuốc.
Các nhà virus học và cộng đồng khoa học thực hiện công việc này, vì vậy virus được Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus (ICTV) đặt tên.
Còn bệnh được đặt tên để cho phép thảo luận về phòng chống dịch bệnh, lây lan, mức độ nghiêm trọng và điều trị.
Sự chuẩn bị và ứng phó với bệnh của con người là vai trò của WHO, do đó các bệnh được WHO đặt tên chính thức trong Bảng phân loại Bệnh Quốc tế (ICD).
Trước đó, tại cuộc họp báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11/2 ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã công bố “COVID-19” là tên chính thức của loại virus nCoV xuất phát từ Trung Quốc.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, “CO” là viết tắt của corona, “VI” là để chỉ virus, “D” là viết tắt của chữ “disease” trong tiếng Anh (có nghĩa là “bệnh”), còn “19” là để chỉ năm 2019 – năm người ta phát hiện ra dịch bệnh này. Trước đó, WHO tạm gọi chủng virus corona mới là 2019-nCoV.
Theo người đứng đầu WHO cũng, cái tên “COVID-19” được chọn để tránh đề cập đến một vùng đất cụ thể, một loài động vật cụ thể hay một nhóm người nào đó nhằm tránh việc kỳ thị, gây tiếng xấu cho vùng đất, loài vật hoặc người đó.
Thống kê từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 6 giờ 40 ngày 23/2, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (tên chính thức SARS-CoV-2) là 2.364, tăng nhẹ so với số liệu tối qua và tổng số ca nhiễm là 78.583 tăng 655 ca. Có 20.863 trường hợp được chữa khỏi.
Tính đến nay có 19 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm ba ca ở Nhật, hai ca ở đặc khu Hong Kong, ba ca ở Hàn Quốc, một ca ở Đài Loan, sáu ca ở Iran, một ca ở Pháp, một ca ở Philippines và hai ca ở Ý.