Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế vẫn chưa tính đến việc công bố hết dịch COVID-19.
Tính đến 6h00 ngày 12/5, Việt Nam đã có 26 ngày không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Đến thời điểm này đã có 249 bệnh nhân COVID-19 tại nước ta được công bố khỏi bệnh/xuất viện chiếm 86% tổng số ca đang điều trị. Hiện còn 39 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại 6 cơ sở y tế, hiện đã có 8 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 11 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Chỉ còn lại 20 bệnh nhân COVID-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Mặc dù đã bảo toàn thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID- 19. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, căng thẳng mỗi ngày xuất hiện hàng chục ngàn ca nhiễm mới, hàng nghìn người chết.
Do đó vẫn, Việt Nam tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn. Những người nhâp cảnh đều được cách ly 14 ngày ngay tại sân bay nhằm sàng lọc người dương tính với COVID-19, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Hôm nay đã là ngày thứ 26 Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Theo quy định hiện hành, điều kiện để công bố hết dịch là không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh Covid-19 là 28 ngày, được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa tính đến việc công bố hết dịch COVID-19.
“Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia đánh giá Việt Nam đang khống chế dịch tốt và khả năng xảy ra làn sóng thứ hai rất ít, tuy nhiên ban chỉ đạo chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch vì số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện bảo hộ công dân, đưa công dân Việt Nam kẹt lại ở nước ngoài hoặc có nhu cầu về nước, vì vậy vẫn có nguy cơ phát sinh thêm ca bệnh mới” – ông Tuyên nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, dù 26 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm trong cộng đồng, dù học sinh đã trở lại trường học, cuộc sống của người dân đã trở lại ở trạng thái “bình thường mới”, nhưng chúng ta vẫn chưa thể yên tâm.
Bởi thực tế, không một quốc gia nào có thể khẳng định kiểm soát được 100% ca bệnh trong cộng đồng, đặc biệt khi có tới 60% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. “Khi không rà được hết thì dịch có nguy cơ bùng lên bất cứ lúc nào”, PGS Phu cảnh báo.
Theo khuyến cáo của cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, mặc dù đã được nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gồm: đeo khẩu trang; không tụ tập đông người; không đi ra ngoài khi không cần thiết đặc biệt là người già, người có bệnh nền; tránh tiếp xúc gần; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khai báo y tế…
Vị chuyên gia này cũng cho biết, dịch Covid-19 có thể kéo dài, chưa có văcxin thì cũng không biết được dịch sẽ kéo dài đến bao giờ. “Hiện nay chưa có nước nào, chuyên gia nào dám khẳng định Covid-19 sẽ trở thành như cúm mùa hay nặng lên như SARS”. – PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Bảo Lam