“Chìa khoá” giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí vốn NSNN cho các dự án do Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư hiện nay không nằm ở Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV).

Trong văn bản số 390 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc một số thông tin báo chí liên quan tới các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc UBQLV, UBQLV đã chính thức thông tin về khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí vốn NSNN cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư.

Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư gây ra nhiều tai tiếng.

Giải thích về khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí vốn NSNN cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư, UBQLV cho biết: “Việc dừng giao vốn NSNN cho các dự án của VEC từ kế hoạch năm 2019 đến nay là thực hiện theo Nghị quyết số 71/2018 của Quốc hội về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020: “Chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho VEC, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam”; Nghị quyết số 50/2019 của Chính phủ: “Chưa giao kế hoạch vốn nước ngoài cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 71/2018”.

Trên thực tế, VEC được thành lập theo chủ trương thí điểm mô hình doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác, kinh doanh hoàn vốn trong lĩnh vực đường bộ cao tốc theo Quyết định số 3033/2004 của Bộ GTVT. Theo Quyết định đầu tư ban đầu VEC vay lại toàn bộ vốn để đầu tư các dự án. Tuy nhiên, do các dự án đầu tư đường cao tốc có suất đầu tư lớn, nguồn thu không đủ để hoàn vốn đầu tư dẫn đến sau một thời gian hoạt động, VEC mất cân đối về tài chính, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và công tác huy động vốn để đầu tư các dự án không thể thực hiện được.

Đến thời điểm hiện nay toàn bộ số vốn đầu tư các dự án do VEC quản lý giải ngân từ năm 2013 đến nay, đều chưa được Quốc hội thông qua quyết toán. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao Ban cán sự Đảng Bộ KH&ĐT tiếp tục chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này.