Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken

Mới đây, theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, trong một cuộc điện đàm với ông Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng các mối quan tâm cốt lõi của Bắc Kinh và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Những lời chỉ trích này cho thấy kỳ vọng thấp của Bắc Kinh đối với chuyến thăm có tính rủi ro cao của ông Blinken, cũng như những ngờ vực sâu sắc xoay quanh nỗ lực thúc đẩy “tan băng” của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson nhận định: “Việc đưa tin về chuyến thăm của Blinken ở Trung Quốc gần như không rộng rãi hoặc sôi nổi như ở phương Tây. Sau lần hoãn trước đó do sự cố khinh khí cầu, người Trung Quốc lo lắng về một sự cố tiềm ẩn khác. Các kỳ vọng về chuyến thăm của ông Blinken tới Trung Quốc là không cao”.

Trên thực tế, các chuyên gia tại Mỹ cũng hạ thấp kỳ vọng khi thời điểm diễn ra chuyến thăm đang đến gần. Ông Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về Đông Á, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo vừa qau rằng “Chúng tôi không đến Bắc Kinh với mục đích tạo ra một bước đột phá hoặc thay đổi nào đó trong mối quan hệ”.

“Chúng tôi đến Bắc Kinh với cách tiếp cận thực tế, tự tin và mong muốn chân thành trong việc quản lý sự cạnh tranh giữa hai bên theo cách có trách nhiệm nhất có thể. Chúng tôi hy vọng ở mức tối thiểu rằng chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu đó,” ông nói.

Có thể hiểu vì sao kỳ vọng của hai bên về chuyến thăm vẫn đang ở mức thấp. Quan điểm chủ đạo ở Trung Quốc là lời nói và hành động của Mỹ không nhất quán do sự đổ vỡ lớn về lòng tin chính trị giữa hai siêu cường bắt đầu dưới thời chính quyền ông Trump.

Đặc biệt, trong những tháng gần đây, mặc dù Mỹ nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao, nhưng quốc gia này cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, thúc đẩy các đồng minh ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với các thiết bị sản xuất chất bán dẫn…

Những hành động này đã khiến Bắc Kinh nổi giận, và làm các quan chức Trung Quốc đặt câu hỏi về “sự chân thành” của chính quyền Mỹ. Điều này cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhắc tới vào tháng trước rằng: “Ở phía Mỹ, một bên yêu cầu liên lạc, nhưng bên kia trấn áp và kiềm chế Trung Quốc bằng mọi cách có thể”.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

“Các tín hiệu lẫn lộn do phía Mỹ gửi đi rất khó hiểu. Điều này khiến phía Trung Quốc không có hy vọng đặc biệt cao cho chuyến thăm của ông Blinken”, ông Uông Văn Bân nói.

Tất cả những điều trên đã dẫn đến sự tương phản rõ rệt trong thái độ của 2 quốc gia này. Trong khi Mỹ tỏ ra mong muốn hàn gắn quan hệ, thì Trung Quốc đã phản ứng một cách thụ động và không làm gì nhiều để che giấu sự không hài lòng của mình.

Ông Tong Zhao, một thành viên cấp cao tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho biết Trung Quốc đang tìm cách gây áp lực bằng cách cố tình hành động lạnh lùng và xa cách với Mỹ, bao gồm cả việc bác bỏ đề xuất của Washington về việc thiết lập “các hàng rào bảo vệ” cho mối quan hệ và các cơ chế giảm thiểu rủi ro.

Hai bên đã chứng kiến nhiều vụ đụng độ quân sự nguy hiểm trong những tháng gần đây, bao gồm một vụ suýt va chạm giữa các tàu chiến ở eo biển Đài Loan và một cuộc chạm trán gần giữa các máy bay quân sự trên Biển Đông.

Ông Zhao cho biết thêm, Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” để làm nổi bật nguy cơ đối đầu quân sự với Mỹ. “Trung Quốc luôn cho rằng nguy cơ này xảy ra là do các hành động đơn phương và vô lý của Mỹ gây ra. Bằng cách làm cho rủi ro trở nên rõ ràng hơn, Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể thúc đẩy Mỹ nhận ra các vấn đề trong hành vi của chính mình với với hy vọng buộc Mỹ phải thỏa hiệp có lợi cho Trung Quốc ở cấp độ chiến lược”, chuyên gia này nhận định.

Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng, sự phục hồi kinh tế mờ nhạt của Trung Quốc kể từ khi thoát khỏi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt COVID-19 vào cuối năm ngoái sẽ thúc đẩy Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ ổn định với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại.

Chuyến thăm bị trì hoãn từ lâu của ông Blinken là “cơ hội cuối cùng” để hàn gắn quan hệ với Trung Quốc trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới. Sự phân cực chính trị ở Mỹ đang đặt chính quyền Tổng thống Biden vào thế khó trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Nếu trong năm tới mối quan hệ giữa hai bên không được cải thiện, điều đó có nghĩa là có khả năng, Mỹ-Trung sẽ ngày càng trở nên đối đầu mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp đó.

Cẩm Anh