Trí tuệ cảm xúc đã và đang trở thành vấn đề mang tính thời đại, đặc biệt với những lãnh đạo doanh nghiệp hoặc quản trị nguồn nhân lực tại doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EI), một khái niệm tâm lý đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới và ngày càng có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, trong đó có môi trường công sở và doanh nghiệp. EI đặc trưng bởi khả năng nhận diện, thông hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình cũng như của người khác.
Ở môi trường doanh nghiệp, EI đã nổi lên như một tri thức và kỹ năng then chốt, ảnh hưởng đến thành công của cá nhân cũng như hiệu quả tập thể của các nhóm, tổ chức. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Viện trưởng Viện Tâm lý Việt – Pháp cho rằng, bên cạnh chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EI) ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại công nghệ – khi trí tuệ nhân tạo đang dần phủ sóng mọi lĩnh vực, tác động đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp.
Nếu IQ có thể giúp mỗi cá nhân có thể đạt được những bước tiến quan trọng trong công việc thì EI chính là chìa khoá kiểm soát căng thẳng và cảm xúc khi đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhất là bất định khó lường. Do vậy, trí tuệ cảm xúc nơi công sở đã và đang trở thành vấn đề mang tính thời đại, đặc biệt với những cá nhân đảm nhận vai trò lãnh đạo hoặc quản trị nguồn nhân lực tại doanh nghiệp.
Phân tích sâu hơn về chủ đề này, TS tâm lý Lê Nguyên Phương nhấn mạnh: người có trí tuệ cảm xúc mang một số đặc điểm nổi bật như tự nhận thức, biết kiềm chế bản thân, tạo động lực, đồng cảm và kỹ năng xã hội. Những nền tảng cốt lõi của EI đưa vào doanh nghiệp, theo TS tâm lý Lê Nguyên Phương góp phần tạo động lực cho sự phát triển, thúc đẩy môi trường làm việc tích cực, gắn kết cao cũng như xây dựng văn hoá tổ chức mang tính hòa nhập, hỗ trợ và tận tâm.
Theo TS tâm lý Lê Nguyên Phương, EI đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kỹ năng giao tiếp, nâng cao hiệu suất làm việc và sức khoẻ tinh thần cho người lao động trong doanh nghiệp. EI cao hỗ trợ các nhân sự vượt qua thách thức, căng thẳng hay mâu thuẫn tại công sở, dẫn dắt và thúc đẩy mình cũng như cá nhân khác trong doanh nghiệp làm việc với năng suất cao hơn.
Do vậy, trong quá trình tuyển dụng hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức đề cao EI và xem đây như tiêu chí tuyển dụng quan trọng không kém các yêu cầu khác như trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thậm chí, một số nhà tuyển dụng còn bổ sung thêm các bài test trí tuệ cảm xúc với ứng viên trước khi đưa ra quyết định.
Tương tự như vậy, không một lãnh đạo nào có thể chấp nhận nhân viên không biết trí thông minh cảm xúc đến mức khó đạt được thành công trong giao tiếp, ký kết hợp tác khi gặp khách hàng, cho dù nhân sự này đáp ứng đủ yêu cầu về bằng cấp. Ngược lại, với nhân sự có EI tốt, có thể hiểu và kiểm soát cảm xúc là nền tảng cho giao tiếp hiệu quả cũng như gắn kết, duy trì các mối quan hệ tốt đẹp trong công việc, cuộc sống.
Ở cấp độ quản lý trong doanh nghiệp, trí tuệ cảm xúc, thậm chí còn được xem là công cụ hiệu quả để thu phục lòng người và phát huy năng lực tiềm ẩn của mỗi cá nhân, bộ phận cũng như góp phần tạo nên một lãnh đạo xuất sắc. Ở đó, trí tuệ cảm xúc được thể hiện ở việc biết kiểm soát cảm xúc cá nhân, tin tưởng các nhân sự, lắng nghe các đội nhóm và các quyết định được đưa ra dựa trên sự đánh giá tổng quan, sáng suốt…
Hạnh Lê