Ngoài việc tăng cường quan hệ song phương, thì tình hình COVID-19 là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới lịch trình chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga.
Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và phía Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến Việt Nam sắp tới.
Cuộc làm việc giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio mới đây nhằm nhằm triển khai các công việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dự định sẽ thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng hoan nghênh và đánh giá cao việc Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhận chức. Chuyến thăm rất có ý nghĩa đối với quan hệ hai nước, đặc biệt trong bối cảnh hai bên đang nỗ lực phục hồi hợp tác trên các lĩnh vực, thể hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam và khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của đoàn Thủ tướng Suga Yoshihide, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, cơ quan VPCP sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan và phía Nhật Bản để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm. Hai bên sẽ tiếp tục triển khai công tác lễ tân, hậu cần, an ninh ở mức cao nhất, bảo đảm chuyến thăm thành công tốt đẹp.
Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio nhấn mạnh, việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhận chức thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam với Nhật Bản.
Cũng theo Đại sứ, mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua đã phát triển lớn mạnh và Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ tiếp tục phát triển, làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Chuyến thăm Thủ tướng Suga Yoshihide đến Việt Nam cũng thể hiện sự tin cậy về kinh tế giữa hai nước. Đại sứ tin tưởng mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ lớn mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Đại sứ Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để gắn kết quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước Việt Nam-Nhật Bản, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm VPCP và các Bộ, ngành liên quan để thúc đẩy sự gắn kết này.
Trước đó, báo chí Nhật Bản nhấn mạnh tình hình COVID-19 là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới lịch trình chuyến thăm của Thủ tướng Suga. Các quan chức chính phủ Nhật cho biết, Việt Nam và Indonesia là những nước đang có tình hình dịch bệnh ổn định và đây là một trong các nguyên nhân khiến lãnh đạo Nhật Bản thực hiện chuyến thăm ngay trong tháng 10 này.
Quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Năm 1995, Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm; năm 2009, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam; năm 2011, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; tháng 5/2016, mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Trải qua chặng đường hơn 45 năm, dấu ấn Nhật Bản trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại với Việt Nam ngày càng đậm nét. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số hai (tính theo số lũy kế), đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam (năm 2018). Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 29,16 tỷ USD (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó xuất khẩu đạt 14,98 tỷ USD (tăng 8% so với cùng kì năm 2018), nhập khẩu đạt 14,18 tỷ USD (tăng 3,3% so với cùng kì năm 2018). Về đầu tư, 7 tháng năm 2019, vốn đầu tư của Nhật Bản sang Việt Nam đạt 2,25 tỷ USD. Lũy kế từ trước đến nay, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản tại Việt Nam đạt 58,1 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn FDI của cả nước. Các lĩnh vực đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu trong công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất động sản… Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với khoảng 160.000 người. Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Việt Nam và Nhật Bản hiện cũng là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi phát triển đối với hoạt động giao thương giữa hai quốc gia. |
Hải Minh