Khi việc thấu hiểu khách hàng số ngày càng khó khăn hơn (ví dụ như không được “đọc” cookie nữa) và chi phí quảng cáo trên mạng cũng tăng phi mã liên tục, các công ty bắt buộc phải cân đối lại các loại hình quảng cáo khác nhau chứ không thể dựa quá nhiều vào quảng cáo số như trước.

4. Khai thác loại hình podcast

Podcast là một dạng phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Tuy nhiên cách quảng cáo lại giống quảng cáo truyền thống, tương tự như radio. Đó là một trong những lý do giúp hình thức này thành công. Theo số liệu từ công ty quảng cáo Ads Wizz, hình thức podcast ghi nhận mức tăng trưởng 53% đối với podcast mới và 81% đối với số lần hiển thị quảng cáo.

Ngoài việc tiếp cận hơn 100 triệu thính giả mỗi tháng, quảng cáo podcast còn hiệu quả vì người nghe tin tưởng những người phát hành podcast. Nghiên cứu Super Listeners 2020 của Edison Research cho thấy, 45% người nghe tin tưởng những người đọc podcast và có sử dụng sản phẩm họ quảng cáo trong podcast. Đồng thời gần một nửa số người nghe podcast cũng chú ý nhiều đến quảng cáo trên podcast hơn những loại hình quảng cáo khác.

5. Tận dụng công cụ truyền thống theo cách kỹ thuật số

Công nghệ kỹ thuật số có thể tận dụng công cụ truyền thống theo cách hiệu quả đáng ngạc nhiên. Chẳng hạn khi gửi thư trực tiếp thì có thể kèm mã QR để người dùng quét mã và xem thêm thông tin. Các đườn link và mã QR đã được cá nhân hóa cho phép các nhà tiếp thị thu thập dữ liệu cực kỳ chi tiết. Với dữ liệu này, họ có thể phát triển những phân tích marketing về tỷ lệ chuyển đổi (tỷ lệ người xem quảng cáo chuyển sang mua hàng – ROI) và tính phân phối. Khi đó lợi thế của các kênh kỹ thuật số hiển nhiên không còn là độc nhất.

6. Tinh chỉnh thương hiệu và phù hợp với thị trường

Marketing là nghệ thuật và khoa học về tình huống và bối cảnh. Tức là đôi khi có những thương hiệu, thị trường và thông điệp lại phù hợp với các hình thức quảng cáo truyền thống hơn. Chẳng hạn TV vẫn là nơi phù hợp để chạy các quảng cáo dạng xây dựng câu chuyện đầy cảm xúc, như quảng cáo Guinness “Welcome Back” đánh dấu việc các nhà hàng được mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách.

Thậm chí hiện nay còn có những giải pháp quảng cáo TV có thể nhắm theo địa chỉ (chẳng hạn Finecast), cho phép bên quảng cáo nhắm mục tiêu chính xác phân khúc khách hàng thông qua TV livestream và TV theo yêu cầu. Tức là khi đó các kênh online đã không còn lợi thế trước TV như trước nữa.

7. Đánh giá lại hiệu quả của quảng cáo kỹ thuật số

Khảo sát CMO Survey cho thấy có đến hơn 50% các nhà tiếp thị theo dõi các chỉ số marketing kỹ thuật số trong thời gian thực. Đồng thời giới các nhà tiếp thị cũng bắt đầu hoài nghi về lợi nhuận của các phương tiện kỹ thuật số, cho rằng chúng không uy tín, bởi vì số liệu đều do các nền tảng cung cấp. Họ hoàn toàn có thể tự đưa ra những con số cao hơn thực tế.

Nhắm mục tiêu cá nhân và cá nhân hóa quảng cáo, hai thứ vốn dĩ là thế mạnh của quảng cáo kỹ thuật số, lại đang khiến các nhà tiếp thị băn khoăn. Bởi vì theo các nghiên cứu, việc nhắm mục tiêu có thể phản tác dụng nếu thực hiện quá sớm. Còn việc cá nhân hóa quảng cáo sẽ khiến người dùng phản ứng không tốt nếu họ không biết gì về thương hiệu.

Hay nói cách khác, các nhà tiếp thị nhận ra rằng các thế mạnh của quảng cáo kỹ thuật số có thể trở thành con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng một cách mù quáng, họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Lời kết

Đã từ lâu các chuyên gia luôn dự đoán về ngày tàn của quảng cáo truyền thống. Thế nhưng thực tế chứng minh nó vẫn tồn tại và sống tốt đến ngày hôm nay. Đối với các nhà tiếp thị, khi sử dụng hài hòa giữa quảng cáo truyền thống và quảng cáo kỹ thuật số, họ sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng hơn, xây dựng và giữ vững lòng tin của khách hàng, cũng như thúc đẩy quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Quân Bảo