gio-lam-viec-agribank-2

Ngay từ đầu năm Agribank rao bán hàng loạt các khoản nợ xấu

Rao bán hàng loạt BĐS khủng của doanh nghiệp

Ngay từ đầu năm, nhóm Big 4 ngân hàng liên tục rao bán các khoản nợ. Mở màn rao bán các khoản nợ là Agribank, ngân hàng vừa rao bán một lúc 6 khoản nợ, gồm khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Phương Nguyên và 5 khách hàng cá nhân, có tổng nợ hơn 200 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ là Dự án Khu dân cư lô số 49, Khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ, Tp.Cần Thơ do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Số 8 làm chủ đầu tư. Giá khởi điểm của khoản nợ bằng với dư nợ gốc gần 64 tỷ đồng.

Tiếp đó, khối tài sản có giá khởi điểm gần 1.100 tỷ đồng mà Vietcombank vừa thông báo phát mại thuộc tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Theo đó, Vietcombank đấu giá quyền sử dụng các thửa đất có tổng diện tích hơn 30.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của Công ty Evergreen Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP II. Ngoài ra, khối tài sản trên còn có quyền sử dụng đất 40.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của công ty này tại Khu công nghiệp VSIP IIA.

Còn VietinBank Khu công nghiệp Bình Dương đấu giá quyền sử dụng và tài sản gắn liền trên thửa đất rộng hơn 7.400 m2 tại đường Tân Kỳ Tân Quý (Bình Tân, TP HCM). Đây là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Lục Kim Quân. Giá khởi điểm được đưa ra là 230 tỷ đồng.

VietinBank cũng giảm giá mạnh nhiều khoản nợ sau nhiều lần đấu giá bất thành. Mới đây, VietinBank chi nhánh Nhơn Trạch thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Ngô Ánh lần thứ 6 để thu hồi nợ. Khoản nợ của công ty này đến tháng 6/2021 là hơn 108 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 49,7 tỷ.

Tài sản đảm bảo của Công ty Ngô Ánh là Nhà xưởng và các công trình phụ tại ấp Tân Phong, xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và nhiều bất động sản, tài sản gắn liền trên đất. Khoản nợ nay được rao bán với giá 51,45 tỷ đồng, chỉ cao hơn một chút so với dư nợ gốc.

Một Big 4 nữa là BIDV đang rao bán bảo đảm của Công ty TNHH May thêu Hoàng Long lần thứ 10 gồm quyền sử dụng đất và 372 máy móc thiết bị ngành may. Khối tài sản này từng được đưa ra bán với giá khởi điểm 39,6 tỷ đồng, là tổng dư nợ gốc và lãi, phí phát sinh đến cuối năm 2020. Hiện tài sản chỉ còn giá khởi điểm 13,6 tỷ đồng, tức là khoản nợ đã giảm giá tới 2/3 so với giá ban đầu.

Đầu năm BIDV cũng thông báo bán đầu giá tài sản Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus lần thứ 10 và ngừng giảm giá so với lần 9. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình, được biết đến là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM. Khoản nợ đến ngày 15/4/2021 có giá trị hơn 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 257 tỷ, nợ lãi là 174 tỷ và phí phạt quá hạn hơn 67 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá khởi điểm của khoản nợ được đưa ra lần này là 257 tỷ đồng, bằng với dư nợ gốc và bằng giá khởi điểm được đưa ra trong lần thông báo đấu giá thứ 9 (giữa tháng 10/2021).

Khó khi thu hồi nợ?

Qua hàng loạt rao bán cho thấy, dù “cầm đằng chuôi” khi nhận tài sản thế chấp là bất động sản, thậm chí là nhiều bất động sản khủng, các nhà băng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thu hồi vốn từ các khoản nợ xấu.Theo các chuyên gia, rao bán hay đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản bảo đảm tối ưu mà các ngân hàng thường lựa chọn để thu hồi nợ nhưng cũng là hoạt động khó khăn nhất.

Những năm gần đây, Chính phủ luôn đề cao và coi trọng việc xử lý dứt điểm nợ xấu tại các ngân hàng, một phần vừa làm trong sạch hoạt động cấp tín dụng tại các ngân hàng, một phần thúc đẩy sự phát triển của loạt hình dịch vụ mới, dịch vụ bán đấu giá tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp.

ty_le_nx_tinh_den_30621-1

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Song đây cũng là giai đoạn cuối cùng và khó khăn nhất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng. Ông Hùng cho biết, thực tế khi khách hàng đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng nếu vay có tài sản bảo đảm thì khách hàng phải ký hợp đồng thế chấp tài sản (có thể là thế chấp tài sản của bên thứ ba hoặc thế chấp tài sản của chính khách hàng vay) và khi khách hàng không trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ.

Ông Nguyễn Trí Hiếu -Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, việc thanh lý tài sản đảm bảo, với các tài sản giá trị thấp, ở mức vài tỷ đồng thì xử lý dễ hơn. Còn những tài sản giá trị lớn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng thường các nhà băng phải mất nhiều lần rao bán, thậm chí cả chục lần rao rồi hạ giá mới thanh lý được.

Tuy nhiên, ông Hiếu khẳng định để thu hồi nợ nhanh, các ngân hàng cần hạ giá tài sản bất động sản so với giá thị trường. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư, người mua nhà để ở có thể mua tài sản với giá thấp. Nếu tài sản này được bán đấu giá thành công, tính thanh khoản tốt sẽ giúp thị trường hồi phục sôi động hơn. Tuy nhiên, quy định hiện nay không cho phép bên bán giảm giá quá sâu trong mỗi lần đấu giá là một rào cản. Điều này cũng lý giải vì sao các nhà băng phải tổ chức bán đấu giá nhiều lần để thu hồi các khoản nợ xấu.

Dương Thùy