Ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế thế giới đã gia tăng trong những ngày vừa qua.
Các chuyên gia dự báo nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào thời kỳ tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vì dịch COVID-19 khi hàng trăm nghìn nhà máy ở Trung Quốc vẫn ngưng hoạt động sản xuất, hàng chục triệu công nhân nước này chôn chân tại nhà, các chuỗi cung ứng bị cắt đứt, du lịch và thương mại tê liệt.
Mặc dù châu Âu sẽ không phải là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cảm nhận được những tác động trong cả lĩnh vực kinh doanh và tiêu dùng, với chuỗi cung ứng ở châu Âu trong các lĩnh vực ô tô, điện tử và các lĩnh vực công nghiệp khác chịu áp lực.
Các hãng hàng không châu Âu như British Airways, Air France, Iberian Airways và Lufthansa cũng đã hủy các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Ngành công nghiệp ô tô châu Âu cũng đang phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Một số nhà sản xuất bao gồm liên danh Fiat-Chrysler của Mỹ và Italy vừa đưa ra tuyên bố chỉ hoạt động thêm vài tuần nữa trước khi phải ngừng sản xuất do gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng linh kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc cũng như không tìm được nhà cung cấp thay thế kịp thời.
Các doanh nghiệp tại châu Âu cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc có ít khách du lịch Trung Quốc đến thăm châu Âu trong năm nay. Nga chịu tác động lớn nhất khi 28% tổng số khách du lịch thăm Nga trong năm 2018 đến từ Trung Quốc và gần đây, số lượng du khách cao tuổi đã tăng trưởng mạnh.
Hay trong lĩnh vực hàng hóa xa xỉ cũng cảm nhận được những ảnh hưởng tiêu cực vì người mua sắm Trung Quốc chiếm 1/3 thị trường toàn cầu. Các trung tâm mua sắm sang trọng và thời thượng ở Anh như Bicester Village sẽ chứng kiến doanh thu giảm mạnh trong quý đầu tiên năm nay và có thể là cả thời gian sau đó.
Như nhà kinh tế Ethan Harris của Bank of America đánh giá, các chính phủ cũng không thể làm gì nhiều để chuỗi cung ứng hoạt động. Rất ít chính phủ châu Âu có đủ tiềm lực tài chính để bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Trước tình hình đó, EIU đã điều chỉnh giảm dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2020 từ 2,3% xuống 2,2%, trong đó dự báo tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung Eurozone được điều chỉnh giảm từ 1,3% xuống 1,2%.
Thực tế này cũng làm các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) và IMF đều có cái nhìn thận trọng hơn. Trong một tuyên bố mới đây, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở Trung Quốc và có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, theo người đứng đầu IMF, dịch COVID-19 có thể làm tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1 điểm phần trăm và kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 5,6% trong năm nay.
Bà Georgieva cảnh báo kể cả trong trường hợp dịch bệnh này nhanh chóng được kiểm soát, tăng trưởng tại Trung Quốc và thế giới chắc chắn sẽ chịu tác động. Nhưng dịch COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, tác động có thể tồi tệ hơn nhiều khi Hoa Kỳ và các nền kinh tế toàn cầu khác rơi vào suy thoái.
Có thể thấy, dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế vốn đang chậm lại. Dịch bệnh này cũng thúc đẩy những lời kêu gọi nhuốm màu phân biệt chủng tộc và bài ngoại của những người theo chủ nghĩa dân túy.
Họ muốn kiểm soát chặt chẽ người di cư, khách du lịch và thậm chí các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, thế giới cần quan ngại về nguy cơ giảm tốc tăng trưởng do những yếu tố bất ổn như tăng trưởng sản lượng thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp.