Ở tuyển Việt Nam, không ai phù hợp hơn Đỗ Hùng Dũng để đeo tấm băng đội trưởng vào lúc này.
Sau buổi tập đầu tiên vào chiều 13/1, tấm băng đội trưởng của tuyển Việt Nam được trao cho Đỗ Hùng Dũng. Hai đội phó là Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Công Phượng. Toàn đội nhất trí với quyết định này.
Việc bầu Hùng Dũng làm đội trưởng thay Quế Ngọc Hải là phù hợp. Tiền vệ này vốn là đội phó tuyển Việt Nam trước khi tạm vắng mặt trong năm 2021 vì chấn thương.
Hùng Dũng sinh năm 1993. Về mặt tuổi tác, anh kém thủ môn Bùi Tấn Trường, Trần Nguyên Mạnh, trung vệ Nguyễn Hữu Tuấn. Anh cùng lứa với cựu đội trưởng Quế Ngọc Hải, tân binh Tô Văn Vũ và lớn tuổi hơn phần còn lại của đội.
Trong 3 năm qua, khoảng thời gian bóng đá Việt Nam gặt hái nhiều thành công, Hùng Dũng cũng thuộc nhóm đóng góp nhiều nhất bên cạnh Ngọc Hải, Quang Hải, Văn Đức… Anh luôn là trụ cột, là sự lựa chọn số một của HLV Park ở trung tâm hàng tiền vệ.
Nửa sau của năm 2021, tuyển Việt Nam liên tục nhận các thất bại ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và AFF Cup 2020. Đây là quãng thời gian Hùng Dũng không thể góp mặt vì chấn thương. Khi đó, khoảng trống anh để lại ở tuyến giữa tuyển Việt Nam là rất lớn.
Ngay sau khi nhận tin CLB Hà Nội đồng ý cho Hùng Dũng trở lại tuyển Việt Nam, HLV Park lập tức gọi anh vào Vũng Tàu để tập trung cùng đội, chuẩn bị cho AFF Cup 2020. Tuy nhiên, tiền vệ này không thể đến Singapore vì vấn đề thủ tục.
Đẳng cấp của Hùng Dũng là điều không cần bàn cãi. Anh luôn được HLV Park Hang-seo chọn là cầu thủ quá tuổi đồng hành cùng đàn em lứa U23 ở ASIAD 2018, SEA Games 30.
Hùng Dũng luôn chơi ấn tượng ở những giải đấu này. Trong trận chung kết SEA Games 30, anh còn ghi một bàn thắng và một kiến tạo, giúp U22 Việt Nam giành chiến thắng 3-0. Khi Quang Hải dính chấn thương, tiền vệ này cũng được HLV Park trao cho tấm băng đội trưởng.
Bên cạnh đó, Hùng Dũng còn là chủ nhân của Quả bóng vàng 2019. Vì vậy, anh có những phẩm chất chuyên môn tốt, đủ để các đồng đội dành sự tôn trọng và tín nhiệm.
Phẩm chất bên ngoài sân cỏ
Bên cạnh đó, nhiệm vụ khác của đội trưởng là khả năng gắn kết cả đội ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Khả năng ăn nói, truyền đạt thông tin của Hùng Dũng là rất tốt. Anh từng là khách mời của nhiều chương trình bình luận bóng đá trên truyền hình.
“Đội trưởng không phải quá máu lửa. Điềm tĩnh mới là yếu tố cần thiết nhất. Ngoài ra, Hùng Dũng có thể tạo ra sự gắn kết nhờ khả năng ăn nói. Tôi đã xem nhiều chương trình bình luận bóng đá của Hùng Dũng. Cậu ấy thông minh, hoạt ngôn và tự tin không khác gì lúc đá bóng“, BLV Quang Tùng nhận xét với phóng viên.
Việc CLB Hà Nội đóng góp nhiều quân số nhất cho tuyển Việt Nam cũng có thể là một phần nguyên nhân để HLV Park trao niềm tin cho Hùng Dũng. Lúc này, ngoài Hùng Dũng, các cầu thủ Hà Nội ở tuyển Việt Nam là Bùi Tấn Trường, Nguyễn Thành Chung, Trần Đình Trọng, Lê Văn Xuân, Nguyễn Quang Hải và Phạm Tuấn Hải.
Ở CLB Hà Nội, Hùng Dũng cũng là một đội phó, bên cạnh tiền vệ kỳ cựu Thành Lương (Văn Quyết đội trưởng). Vì vậy, anh cũng “có tiếng nói” đối với nhóm cầu thủ này.
Về lực lượng trên đội tuyển, các đội xếp sau CLB Hà Nội là HAGL (6 cầu thủ) và Viettel (5 cầu thủ). Vì vậy, việc bầu Công Phượng và Tiến Dũng làm đội phó ở tuyển Việt Nam cũng là điều hợp lý. Hai cầu thủ này đều có kinh nghiệm lãnh đạo khi từng đeo băng đội trưởng ở CLB cũng như các cấp độ trẻ.
Ngoài ra, Hùng Dũng còn được người hâm mộ tin tưởng nhờ đời tư trong sạch, không có scandal. Năm 2020, khi Ngọc Hải vướng phải lùm xùm về vấn đề quảng cáo, không ít ý kiến cho rằng tấm băng đội trưởng nên được trao cho Hùng Dũng, người là đội phó lúc đó.
Sau AFF Cup, HLV Park muốn mang đến sự đổi mới lực lượng, nên quyết định thay đổi thành phần ban cán sự. Đây cũng là điều mà các đội Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia đã làm trước khi chơi tốt và vào chung kết giải đấu vừa qua.
Vì vậy, việc Hùng Dũng thay Ngọc Hải không phải là vấn đề quá lớn. Đồng thời, tiền vệ CLB Hà Nội cũng có những phẩm chất tốt và xứng đáng với tấm băng đội trưởng của tuyển Việt Nam.