Vì sao giá điện tăng liên tiếp hai lần mà không thấy giảm, trong khi giá nhiên liệu giảm?
Trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần nhưng không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện. EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất, kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.
Tại báo cáo trình Bộ Công Thương, EVN cho biết năm 2023, tập đoàn ghi nhận khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ tới 24.595 tỷ đồng. Năm 2022 trước đó, tập đoàn này cũng đã lỗ 26.235 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan.
Theo lý giải của EVN, đề xuất điều chỉnh giá điện trong thời gian tới của EVN là để đảm bảo nguồn điện cho mục tiêu GDP tăng 6-6,5% năm 2024 và những năm tiếp theo.
Thực tế, Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân hiện cho phép 6 tháng điều chỉnh giá điện/lần nếu các yếu tố đầu vào sản xuất kinh doanh điện tăng. Trong đó, mức điều chỉnh tăng dưới 5%. Tuy nhiên, khả năng điều hành hệ thống, cũng như phương thức quản trị của EVN trong năm qua, đang tạo ra hai luồng ý kiến:
Có ý kiến cho rằng, giá điện tăng có thể tạo động lực để doanh nghiệp và người dân có ý thức hơn trong việc sử dụng năng lượng. Hiện tại, giá điện trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan.
Ở chiều ngược lại, có ý kiến lại cho rằng, nếu tăng giá điện, EVN cần đầu tư nhiều hơn vào lưới điện. Ngoài ra, Chính phủ nên yêu cầu EVN nộp thêm ngân sách dựa trên một phần lợi nhuận tăng thêm từ việc tăng giá điện, chứ không được dành toàn bộ khoản tăng thu này cho việc xử lý các khoản nợ của tập đoàn.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện thuỷ điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện. Còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.
Theo người đứng đầu EVN, giá thành điện hiện chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả nguồn thuỷ điện cũng là tài nguyên. Trong khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, giá thành chỉ có tăng mà không giảm, do vậy, giá điện cũng chỉ tăng, không giảm.
Giải thích thêm về lý do vì sao giá điện chỉ có tăng mà không giảm, ông Tuấn cho biết, hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện. Truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá thành bán ra là 1.950 đồng/kWh.
“Con số 2.092,78 đồng/kWh, trong đó giá thành sản xuất phải mua điện từ các đơn vị của EVN và các doanh nghiệp ngoài EVN là xấp xỉ 1.620 đồng/kWh, tương đương tỉ trọng mua điện chiếm 80% chi phí tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện. Ở các nước, giá thành mua điện chỉ khoảng 50% so với giá bán, còn lại 50% là dành cho các chi phí liên quan truyền tải, phân phối, quản lý vận hành. Nhưng ở đây chúng ta chỉ còn có 20% cho các khâu này, nên bản thân Tập đoàn và các đơn vị rất khó cân đối, tối ưu hóa”, ông Tuấn phân tích thêm.
Khẳng định EVN đang đang cố gắng tối ưu hoá các chi phí để tiết giảm, nhưng người đứng đầu EVN lại cho biết, việc cân đối tài chính của tập đoàn vẫn hết sức khó khăn. Do vậy, năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của EVN.
Liên quan đến việc cân đối tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, doanh thu bán điện toàn tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022. Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỷ đồng (bằng 94,7% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng (bằng 89,4% so với cùng kỳ năm 2022).
“Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao, nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp”.- người đứng đầu EVN chia sẻ.
Tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cũng đã nhắc lại 23 ngày thiếu điện trong năm 2023 là bài học đau, đắt giá, gây ra “hậu quả khủng khiếp” đối với nền kinh tế, đối với môi trường đầu tư, uy tín của đất nước.
“Đảm bảo cung ứng điện là nhiệm vụ cam go trong những năm tới, chứ không chỉ là riêng năm 2024. Nếu tính tổng công suất lắp đặt của EVN và các tập đoàn nhà nước có thể chủ động được là gần 48%, 52% còn lại phụ thuộc các nhà đầu tư bên ngoài”. – Ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh và cho biết, Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực và cơ quan chức năng tiếp tục sâu sát trong chỉ đạo các doanh nghiệp ngoài ngành. 52% chiếm sản lượng rất lớn, vai trò của họ mang tính chủ đạo. Nếu họ sản xuất không tốt, thiếu nhiên liệu là sẽ ảnh hưởng đến cung ứng điện cho cả nước.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, nhiệm vụ quan trọng nhất của EVN là đảm bảo cung ứng điện, cố gắng tuyệt đối trong năm 2024 không để xảy ra thiếu điện. Bộ Công thương đã có quyết định phê duyệt kế hoạch chuẩn bị ứng phó thiếu điện trong tháng 4, 5, 6, 7 tới. “Qua kinh nghiệm và bài học xảy ra thiếu điện năm 2023, trong quyết định này, Bộ Công thương sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng phải rà soát, báo cáo tình hình cung ứng điện theo quý, chủ động triển khai các giải pháp, không để lặp lại tình trạng thiếu điện”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Lam Song