Khi so sánh với các thị trường lân cận, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến của nhiều chuỗi cung ứng và làn sóng tái định cư sản xuất.
Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo cập nhật “Vietnam Outlook 2022: Economic prospects in the wake of COVID-19” (tạm dịch: Triển vọng Việt Nam 2022: Triển vọng kinh tế hậu đại dịch COVID-19) của PwC.
Theo báo cáo, khi so sánh với các thị trường lân cận, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến của nhiều chuỗi cung ứng và làn sóng tái định cư sản xuất, do nền kinh tế vững chắc và môi trường đầu tư thuận lợi. Tính đến ngày 20/12/2021, cả nước ghi nhận tổng vốn mua mới, điều chỉnh và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD.
Một trong lý do chính giúp Việt Nam trở thành “người thắng cuộc” trong cuộc chiến tái định vị chuỗi cung ứng chính là năng lực xây dựng hệ sinh thái sản xuất mạnh mẽ. Điều này bao gồm mạng lưới các nhà cung cấp hỗ trợ các nhà sản xuất lớn trong nước, cũng như quá trình cải thiện cơ sở hạ tầng điện, đường bộ và giao thông của quốc gia.
Thực tế cho thấy, hàng loạt dự án đầu tư của các nhà đầu tư Hoa Kỳ chuyên sản xuất thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng đã “đổ bộ” vào Việt Nam. Loạt dự án tỉ đô của Foxconn, Lego, Pegatron, Jinko Solar, Luxshare… đã đầu tư vào Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh… năm qua.
Các chuyên gia của PwC cho biết, trong quá khứ, Việt Nam chủ yếu được biết đến với lĩnh vực sản xuất hàng dệt may. Tuy nhiên, những năm vừa qua, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, hàng loạt dự án đầu tư của các nhà đầu tư Hoa Kỳ chuyên sản xuất thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng đã “đổ bộ” vào Việt Nam trong năm 2019. Bước sang năm 2020 và 2021, Việt Nam cũng ghi nhận nhiều dự án FDI khác rót vốn, song một số dự án phải trì hoãn do tác động của đại dịch COVID-19.
Báo cáo đánh giá, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong vài năm tới, bao gồm cả việc chuyển hướng đầu tư khỏi các thị trường khác, cũng như sự gia tăng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nước ngoài.
Sang năm 2022, Việt Nam được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng với tốc độ cao hơn đáng kể, một phần nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp quốc gia khôi phục hầu hết các hoạt động kinh tế vào cuối năm 2021.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết Việt Nam có rất nhiều triển vọng thu hút FDI mặc dù dịch bệnh còn diễn biến khó lường. Hiện tại Việt Nam đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia, doanh nghiệp trong nước có cơ hội được tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Hoàng, dự kiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tăng trưởng và sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Kết quả khảo sát mới nhất của Chỉ số môi trường kinh doanh (Business Climate Index – BCI) từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy doanh nghiệp châu Âu đang thể hiện tinh thần lạc quan vào môi trường thương mại, đầu tư tại Việt Nam.
Theo đó, Chỉ số BCI đã đạt mức cao nhất kể từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, với 61 điểm phần trăm, tăng 42 điểm so với kết quả khảo sát trước đó. Kết quả khảo sát cũng cho thấy hơn một nửa (58%) lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu đang dự đoán sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2022, tăng 8 điểm so với kỳ khảo sát trước, trong khi đó chỉ có 17% dự đoán suy giảm. Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu cũng tin tưởng hơn về triển vọng phát triển kinh tế trong thời kỳ bình thường mới của Việt Nam. Do đó, 43% doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư vào quý đầu tiên của năm 2022, so với chỉ 17% vào 3 tháng trước.
Mặc dù cơ hội đón vốn FDI là rất lớn nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt nhất là trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế. Do đó, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.
“Bên cạnh đó, sẽ chủ động lên danh sách các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Linh Nga