Fitch dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 3,3% vào năm 2020. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ giữa những năm 1980.
Fitch dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 3,3% vào năm 2020, từ mức 7,0% vào năm 2019, do đại dịch. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ giữa những năm 1980. Tăng trưởng trong quý 1/2020 giảm xuống còn, từ khoảng 7,0% quý 4/2019.
Dự báo cho năm 2020 là không chắc chắn và có rủi ro sẽ còn giảm thêm, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch, cả ở Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu chính. Cho đến nay, số ca dương tính ở Việt Nam là tương đối thấp, nhưng dịch bệnh có thể diễn biến xấu đi. Việt Nam đã phải kiềm chế hoạt động kinh tế và kinh doanh để ngăn chặn sự lây lan.
Các ngành du lịch và xuất khẩu đặc biệt dễ bị tổn thương. Du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP, ngoài ra còn ảnh hưởng đến tổng sản lượng thông qua các ngành liên quan. Lượng khách du lịch trong tháng 3 giảm khoảng 68% so với cùng kỳ. Fitch giả định dịch sẽ được ngăn chặn vào nửa cuối năm nay và ngành du lịch toàn cầu bắt đầu phục hồi dần.
Tổ chức này cũng dự báo xuất khẩu sẽ giảm mạnh, do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam giảm, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, mặc dù sau đó họ sẽ phục hồi. Nhu cầu xuất khẩu yếu sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất. Vốn đầu tư thực hiện trong quý 1/2020 đã giảm 6,6% so với cùng kỳ.
Dự báo cán cân thương mại sẽ chuyển sang thâm hụt nhẹ vào năm 2020, từ mức thặng dư khoảng 3,0% vào năm 2019, do xuất khẩu, du lịch và kiều hối giảm, tuy nhiên, nó sẽ trở lại thặng dư vào năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Nhu cầu trong nước có khả năng suy yếu vì các biện pháp cách ly xã hội. Chính phủ đang nỗ lực giảm thiểu tác động, bao gồm các biện pháp hỗ trợ các hộ gia đình, các ngành kinh tế như du lịch và vận tải. Cụ thể, chính phủ hoãn các loại phí thuế doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và thuế đất đối với những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó là trao trợ cấp cho người lao động bị mất việc làm.
Fitch dự báo thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên 6,5% GDP vào năm 2020, từ mức ước tính 3,4% vào năm 2019 và nợ nước ngoài tăng lên 42,5% GDP, so với khoảng 38% GDP vào năm 2019.
Tuy vậy, Fitch cũng kỳ vọng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 7,3% khi nhu cầu bên ngoài và trong nước dần hồi phục, xuất khẩu, du lịch và FDI tăng trở lại.
Trong thông báo vừa công bố, Fitch điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín dụng cho nợ dài hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam xuống một bậc do tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tới các ngành du lịch, xuất khẩu, đồng thời làm suy yếu cầu nội địa.
Việc xếp hạng nợ ngoại tệ dài hạn ở mức “ổn định” của Fitch phản ánh triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong trung hạn, thời gian ổn định vĩ mô được kéo dài kỷ lục, nợ chính phủ thấp hơn và khả năng tài chính tốt hơn so với nhiều nước cùng trình độ phát triển, đặc biệt là có nguồn dự trữ ngoại tệ tốt được tích lũy từ nhiều năm trước.
Trước đó, ngày 31/3, hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay. Theo đó, tốc độ tăng trưởng có thể chỉ đạt 2,8% – thấp nhất 34 năm. Tốc độ này giảm so với dự báo trước đó là 6,3%, do cả 3 lĩnh vực chính – sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ đều chịu tác động từ COVID-19.