Thông báo của Trump được đưa trong bối cảnh ngành Y tế toàn cầu khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ qua và trong trạng thái cực kỳ “tức giận” khi bị chỉ trích thậm tệ về công tác chống COVID-19.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump tuyên bố nước Mỹ “tạm dừng” tài trợ cho WHO.

Giữa những câu “hỏi xoáy” về việc liệu ông đã hạ thấp đại dịch COVID-19 hay phớt lờ những cảnh báo từ các thành viên trong nội các của mình về mức độ nghiêm trọng tiềm tàng của nó, Trump đã tìm cách đổ lỗi cho những nơi khác, kể cả WHO và các phương tiện truyền thông đại chúng nước Mỹ.

Trong cơn “giận cá chém thớt”, Trump đưa ra số liệu so sánh: “hàng năm Hoa Kỳ tài trợ khoảng 400 đến 500 triệu đô la cho WHO trong khi đó, lưu ý rằng Trung Quốc chỉ “đóng góp” khoảng 40 triệu đô la”.

Rõ ràng Trump có lý do để tức giận. Ông cho rằng, nếu WHO thực hiện nhiệm vụ của mình một cách “nghiêm túc” và triển khai sớm việc đưa các chuyên gia y tế vào Trung Quốc để đánh giá khách quan tình hình dịch bệnh không phức tạp như bây giờ.

Trước đó, ngày 24/2/2020, trong một cuộc họp báo tại Thụy Sỹ, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh “vẫn còn quá sớm” để công bố COVID-19 là đại dịch, ông cho rằng nếu làm điều đó ngay lúc này có thể gây hoang mang và tạo ra suy nghĩ rằng dịch bệnh không thể bị khống chế hay đánh bại.

WHO vào thời điểm đó chỉ đưa ra khuyến cáo “chung chung” rằng là quốc tế chuẩn bị đối phó ”đại dịch”. Tuy nhiên, WHO lại không thực thi triệt để các nghĩa vụ của định chế quốc tế này để một phần dịch bệnh tại Trung Quốc được hiểu rõ hơn, một phần sẽ giúp các quốc gia khác kiểm soát tốt hơn.

Điều đó cũng đồng nghĩa là dịch bệnh khó lan ra bên ngoài hơn và nếu một khi lan ra ngoài, cộng đồng quốc tế sẽ có nhiều thời gian và khả năng phòng vệ hơn.

Quay trở lại với quyết định rút tiền tài trợ WHO của Trump, ông hoài nghi “vai trò” của các tổ chức thế giới trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Và rằng nếu WHO đưa ra một “hành động thích hợp”, ông có thể đã ban hành lệnh cấm du lịch đối với những người đến từ Trung Quốc sớm hơn và nếu đưa ra lệnh cấm sớm hơn thì nước Mỹ đang không rơi vào tình trạng “tang thương” như bây giờ.

Tuy nhiên, Trump vốn nổi tiếng là người “tiền hậu bất nhất”, chỉ vài ngày trước khi ban hành lệnh cấm du khách từ Trung Quốc, ông đã đưa ra những lời “có cánh” về đất nước này: “Trung Quốc đã làm việc rất chăm chỉ để ngăn chặn COVID-19. Hoa Kỳ đánh giá rất cao những nỗ lực và tính minh bạch của họ. Tất cả rồi sẽ tốt đẹp. Đặc biệt, thay mặt cho Nhân dân Mỹ, tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình!”.

Ngay nội bộ nước Mỹ cũng đang tranh luận gay gắt về quyết định của ông chủ Nhà Trắng. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, Chris Murphy, thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho rằng, trong khi WHO và Trung Quốc “phạm sai lầm”, Trump cũng đang tìm cách làm chệch hướng của dư luận và tìm vật “tế thần” cho những sai lầm chết người mà ông ta đã mắc phải trong quá trình hành xử ở giai đoạn đầu của đại dịch.

Đứng ở bên cạnh Trump, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng lặp lại lời chỉ trích của Trump về WHO nhưng chưa đưa ra phản ứng cụ thể nào với thông báo Hoa Kỳ sẽ rút lại tiền tài trợ cho cơ quan toàn cầu này.

Pompeo cho rằng, nước Mỹ cần sự minh bạch và cầnWHO thực hiện công việc vai trò của mình, thực hiện đúng chức năng chính của mình. Đảm bảo rằng thế giới phải có thông tin chính xác, kịp thời, hiệu quả về những gì đang diễn ra trong không gian y tế toàn cầu. Quan trọng nhất là họ đã không làm được điều này!

Trên bình diện quốc tế, WHO là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đóng vai trò điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên toàn thế giới. Tổ chức này với tôn chỉ mục đích tham gia giúp đỡ các quốc gia thành viên, cung cấp những thông tin chính xác. Ngoài ra, họ sẽ đứng ra để giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người.

Có thể nói, vai trò và khả năng hành động của WHO, như giáo sư Anne-Marie Moulin, một chuyên gia về lịch sử y tế quốc tế, cho rằng, ”WHO vốn thường bị phân tâm giữa một bên là đòi hỏi sự thận trọng về mặt ngoại giao và bên kia là mục tiêu hướng đến hiệu quả, đưa ra các cảnh báo dịch bệnh mang ý nghĩa biểu tượng”.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, giá như sau khi tuyên bố “Tình trạng Y tế khẩn cấp thế giới” tại Vũ Hán, các chuyên gia quốc tế của tổ chức WHO đến nơi này tìm hiểu các vấn đề về tỉ lệ mới mắc, tỉ lệ hiện mắc, đặc biệt là liên quan đến quy mô dịch mà xét nghiệm có thể cung cấp được và đặc biêt là thông tin về dịch tễ học, về nguy cơ, xác suất mắc bệnh, đường truyền của virus, thời gian nhiễm bệnh, thời gian lây truyền, cách thức lây truyền, giai đoạn ủ bệnh…thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông Nicholas Rosellini, đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc, người có trách nhiệm phối hợp với WHO cho biết rằng đây ”chưa phải là thời điểm thích hợp” để chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán.

Mỹ hiện chiếm 15% ngân sách tài trợ cho WHO. Và rất có thể tới đây, chính quyền nước này sẽ cấm các tổ chức thiện nguyện của Mỹ tài trợ cho WHO, đây mới là “cú đánh” chính vào tổ chức này vì loại tài trợ này chiếm tỷ lệ rất cao.

Trong tương lai, rất có thể Trump cũng sẽ yêu cầu các nước đồng minh thân cận ngưng tài trợ cho WHO. Việc tài trợ chỉ có thể nối lại khi nào WHO được “thay máu” toàn bộ. Bản thân WHO, nếu không nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, tổ chức này sẽ tê liệt.