giadien1

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kết thúc chương trình hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước – mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020.

Lý giải về điều này, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân chính là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kết thúc chương trình hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.

Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2 chỉ tăng 0,70% – thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Bình quân 2 tháng đầu năm 2021, CPI giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,64%.

Trong mức tăng 1,52% của CPI tháng 2/2021 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng giữ ổn định giá. Cụ thể, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất với 4% (làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm), trong đó: giá điện sinh hoạt tháng Hai tăng 20,06% (tác động làm CPI chung tăng 0,66 điểm phần trăm); giá vật liệu, bảo dưỡng nhà ở chính tăng 1,31%; giá gas tăng 6,74% và giá dầu hỏa tăng 4,35%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,61%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đó: lương thực tăng 1,77%; thực phẩm tăng 1,82% (làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 1,01%.

Nhóm giao thông tăng 1,55% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 26/1 và thời điểm 25/2/2021 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 3,28% (tác động làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm). Thêm vào đó, nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng và nhu cầu mua sắm, sửa chữa cuối năm tăng nên giá một số loại xe và giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện tăng.

Các nhóm có mức tăng thấp như may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13% do giá hoa, cây cảnh tăng; bưu chính, viễn thông tăng 0,03%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,74%. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.

Như vậy, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,14% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 0,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, năm 2021 vẫn rất khó đoán định. Do đó, công tác điều hành giá cần tiếp tục điều hành một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

CPI-tet_1

 Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán.

PGS., TS. Nguyễn Bá Minh – Viện trưởng viện Kinh tế – Tài chính nhận định “dự báo CPI bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,5% (+/- 0,3%) tức là từ 3,2% đến 3,8%. Như vậy việc kiểm soát lạm phát trong mục tiêu Quốc hội giao (ở mức dưới 4%) là hoàn toàn khả thi”.

Nhận định của Viện trưởng Nguyễn Bá Minh dựa trên 3 dự báo cơ bản. Thứ nhất, mặc dù dịch COVID-19 trên thế giới dần được khống chế, các loại vắcxin COVID-19 được tiêm chủng trên diện rộng và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục như kỳ vọng nên giá cả nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới khó tăng mạnh.

Thứ hai, dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế và việc tái đàn đang được khôi phục với nhiều tín hiệu khả quan, cho thấy cung – cầu thịt lợn ở Việt Nam năm 2021 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần ổn định.

Thứ ba, Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra…

Đại diện Cục Quản lý giá cũng cho biết, năm 2021 để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt, chủ động.