Chính phủ vừa đề nghị rút dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật năm 2020.
Trong phiên họp toàn thể lần thứ 27 diễn ra mới đây, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã cho ý kiến vào tờ trình đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong chương trình xây dựng luật năm 2020, Chính phủ đề nghị rút 1 dự án là luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Nguyên nhân là một số vấn đề phức tạp trong nội dung của dự án luật cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn. Cụ thể là một số vấn đề như: Khung giá đất; kinh tế, tài chính đất đai; thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, an ninh lương thực; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh, chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo…
Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, kế hoạch, định hướng sửa đổi Luật Đất đai đã được Thường trực Chính phủ thảo luận. Theo Chính phủ, với tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, Luật Đất đai tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị – xã hội, không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng.
Hơn nữa, sau Đại hội Đảng XIII, nghị quyết mới sẽ được ban hành. Đây là nghị quyết mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai.
Vì vậy, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của luật Đất đai hiện hành, định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện luật Đất đai sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Trước đó, tại kỳ họp 7 (5/2019), Chính phủ đã xin rút dự án này để trình vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình và đề nghị lùi dự án luật này sang kỳ họp 9 (5/2020).
Trao đổi với DĐDN, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, quan điểm sửa đổi của Bộ tập trung vào 3 mục tiêu lớn xuyên suốt là quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy được nguồn đất đai cho phát triển kinh tế; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về chính sách đất đai, hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy phát triển; giải quyết, giảm khiếu kiện trọng lĩnh vực đất đai.
Bộ Tài nguyên Môi trường dự kiến xem xét sửa đổi, bổ sung 8 nhóm chính sách lớn gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kinh tế, tài chính đất đai và phát huy nguồn lực đất đai; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất; về chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về việc quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các Luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Lâm nghiệp…
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần tập trung khắc phục việc Luật Đất đai 2013 không đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật, từ Hiến pháp đến hàng loạt bộ luật. Hệ thống pháp luật ban hành sau năm 2013 đều có những điều mà Luật Đất đai không quy định hoặc có quy định nhưng không đồng bộ.
“Việc sửa đổi Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng quá lớn nên phải thận trọng, kỹ lưỡng, tránh việc áp dụng vào thực tế lại tiếp tục có thêm những thiếu sót như hiện tại. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án luật” – ông Hà khẳng định.
Luật Đất đai trải qua 5 lần sửa đổi: Luật đầu tiên được ban hành cách đây hơn 3 thập kỷ, có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 và đến giờ lại tiếp tục sửa đổi. |
Phương Uyên